Chiều ngày 23/5, Quốc hội đã biểu quyết để thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025.
Kết quả biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử cho thấy, có 441/443 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,68%), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết trên.
Theo Nghị quyết, bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2025 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài là hơn 4.327 tỷ đồng.
Số kinh phí này được chi cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện một số nhiệm vụ, theo tờ trình trước đó của Chính phủ. Trong đó, Bộ Y tế được bổ sung gần 4.081 tỷ đồng để quyết toán hàng viện trợ cho phòng chống dịch COVID-19.

Số kinh phí gần 4.081 tỷ đồng vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua bổ sung cho Bộ Y tế là để quyết toán số vật tư, thuốc, thiết bị y tế, vaccine đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021- 2022.
Liên quan đến số kinh phí gần 4.081 tỷ đồng này, Bộ Y tế cho biết, đây không phải là kinh phí bằng tiền bổ sung cho Bộ Y tế mà là dự toán ngân sách được giao để quyết toán số vật tư, thuốc, thiết bị y tế, vaccine đã tiếp nhận viện trợ trong giai đoạn năm 2021-2022. Đây là giá trị hàng hóa tiếp nhận bằng hiện vật đã đưa vào sử dụng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối trong công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh nguồn lực trong nước, Bộ Y tế đã tiếp nhận hàng viện trợ dưới dạng vaccine, vật tư y tế và thiết bị xét nghiệm từ các tổ chức quốc tế và phi chính phủ và đảm nhận nhiệm vụ bảo quản và phân phối vaccine, vật tư y tế, đồng thời thực hiện các biện pháp chuyên môn như giám sát, xét nghiệm, truy vết, xử lý dịch và tổ chức tiêm chủng nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Toàn ngành y tế đã đồng lòng, gồng mình chiến đấu với đại dịch, không quản ngày đêm để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các y bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu đã phải đối mặt với áp lực khủng khiếp, từ việc điều trị bệnh nhân đến việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng.
Nhờ sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, giúp cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Do khối lượng công việc thực hiện rất lớn (tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hàng trăm triệu liều vaccine cho người dân Việt Nam, tiếp nhận test kit, thiết bị y tế,...) thời gian thực hiện gấp trong tình huống khẩn cấp, khó lường, khó dự báo của tình hình dịch COVD-19 nên đến nay số kinh phí 4.081 tỷ đồng (toàn bộ là vaccine, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống COVID-19 đã được đưa vào sử dụng năm 2021-2022) mới được bổ sung dự toán ngân sách để quyết toán viện trợ phòng chống dịch theo quy định.