Gần 200 tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam đăng ký hiến tặng mô, tạng

04-08-2019 19:01 | Y học 360
google news

SKĐS - Trong khuôn khổ Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo được tổ chức sáng 4/8, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội), do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp thực hiện đã có hàng trăm tăng ni sinh, phật tử tham gia hiến máu và gần 200 người đăng ký hiến tặng mô, tạng

 

Thượng toạ Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho biết, Chư tôn đức lãnh đạo, Giảng sư, hơn 500 Tăng Ni sinh Học viện và đông đảo Phật tử đã nhất tâm hoan hỉ tham gia Chương trình có ý nghĩa sâu sắc về Đạo pháp và Nhân văn cao cả này, coi đây là đại thuận duyên để thực hiện hạnh Bồ Tát của mình bằng việc làm thiết thực.
Thượng toạ Thích Thanh Quyết nêu rõ, Đạo Phật là đạo Từ bi và Trí huệ, nếu chỉ lo trau dồi kiến thức mà quên mất lòng Từ bi thì không những  không đúng với tôn chỉ của đạo Phật, mà cái Trí huệ ấy cũng không trọn vẹn.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao thẻ cho một ni sinh đăng kí hiến mô, tạng nhân đạo.

Phật tử phát tâm tu theo Bồ Tát đạo cần phải thấm nhuần tư tưởng và hành trì tu tập Sáu Ba-la-mật, mà Từ bi chính là động cơ của hạnh Bố thí, là hạnh đứng đầu trong Sáu Ba-la-mật. Hiến máu không những không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn là một nghĩa cử cao đẹp. Việc hiến máu và mô, tạng là đại thuận duyên để thể hiện lòng từ bi, hàm chứa cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha, giúp Phật tử trưởng dưỡng bồ đề tâm trên lộ trình giác ngộ - giải thoát.

Thượng toạ Thích Thanh Quyết  kêu gọi các tăng ni sinh hãy sách tấn làm gương làm mẫu trong việc thực hành hạnh Ba-la-mật tối thắng, đồng thời xiển dương rộng rãi đến mọi Phật tử nơi bản tự, cũng như mọi lúc mọi nơi khi có điều kiện. Thượng toạ nhấn manh, Xuất phát từ nhu cầu tự thân của Phật sự giáo dục Phật học – đào tạo tăng tài, từ nay hiến máu và mô, tạng sẽ là một nội dung ổn định trong chương trình hoạt động của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao chứng nhận hiến máu cho Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, TS Nguyễn Thị Xuân Thu và Thượng tọa, Phó Chủ tịch GHPG Việt Nam Thích Thanh Quyết .

Đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp này của Chư tôn đức lãnh đạo và các tăng ni sinh, phật tử học viện, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác vận động hiến mô, tạng đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Nếu như năm 2014 chỉ vận động được hơn 200 người đăng ký hiến mô, tạng thì đến hết năm 2018, tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não lên đến 19.300, góp phần quan trọng vào việc cứu chữa người bị bệnh hiểm nghèo. Những kết quả trên thể hiện sự quan tâm, một nghĩa cử cao đẹp càng lớn của toàn xã hội đối với việc hiến máu, hiến mô, tạng cứu người; thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Hiến máu, hiên mô, hiến tạng cứu người là hoạt động đầy ý nghĩa và mang đậm tính văn hóa, nhân văn, thể hiện sâu sắc đạo lý "Thương người như thể thương thân" của dân tộc ta...

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo tiếp tục duy trì và nhân rộng động rất có ý nghĩa ở tất cả các cơ sở Phật giáo trên cả nước.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Quảng Tùng (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết: “Việc hiến máu, mô, tạng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm cứu giúp những người bệnh. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn các tăng, ni, phật tử và mọi người dân tích cực tham gia hưởng ứng”.

“Thời gian tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức nhiều chương trình hiến máu và đăng ký hiến mô, tạng tại các trường Phật giáo trên toàn quốc”, Hòa thượng Thích Quảng Tùng cho biết thêm.

Một số hình ảnh "Ngày hội hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo" và đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo năm 2019:


 

Hàng ngày, hàng giờ ở Việt Nam có hàng nghìn người bệnh đang mỏi mòn chờ ghép tạng nhưng rất ít người trong số họ có cơ may đó vì số người hiến rất khan hiếm. Do đó, cứu giúp người bằng cách đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời là một việc làm đầy nhân văn. Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều có thể đăng kí hiến tạng.

Người dân trên cả nước có nguyện vọng đăng ký hiến mô tạng cứu người khi qua đời có thể liên hệ 2 địa chỉ thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế và Nhà nước Việt Nam là Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP.HCM) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Hà Nội (địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hà Nội).

Hoặc đăng ký hiến tặng giác mạc tại Ngân hàng Mắt bệnh viện Mắt Trung ương địa chỉ 85 Bà Triệu (Hà Nội) hotline 02439454799 hoặc địa chỉ mail eyebank.vnio@gmail.com.


Khánh Mai
Ý kiến của bạn