Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2023 đạt trên 93,3 triệu người, tăng 2,45% so với cùng kỳ 2022. Như vậy, trên 93% dân số được bảo vệ sức khỏe từ BHYT, vượt 0,15% so với nghị quyết 01 của Chính phủ, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.
Công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT được triển khai với nhiều giải pháp; đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, tối ưu hóa các quỹ; góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nếu như năm 2022 chỉ có hơn 150 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên tới gần 175 triệu lượt (tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT so với năm 2022). Số chi BHYT cho khám chữa bệnh cũng theo đó lên tới khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2022. Điều này cho thấy, hiệu quả công tác khám chữa bệnh BHYT đang được phát huy tích cực, thiết thực với người dân.
Theo ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam, trong năm vừa qua, BHXH Việt Nam đã rất tích cực phối hợp cùng Bộ Y tế tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách BHYT, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang còn tồn tại cho người dân và cơ sở khám chữa bệnh... như Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, gia hạn giấy phép đăng ký thuốc. Đặc biệt, đã tham mưu sửa đổi Nghị định 146/NĐ-CP bằng Nghị định 75/2023/NĐ-CP; tiếp tục hỗ trợ tham gia BHYT với một số nhóm đối tượng…
Cũng trong năm 2023, người dân có thể sử dụng các ứng dụng VssID, VNeID để khám chữa bệnh, tạo thuận tiện cho người bệnh hơn khi khám chữa bệnh.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cũng từng bước được tháo gỡ; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện khám chữa bệnh BHYT được tăng cường. Quy trình giám định BHYT mới được triển khai theo hướng hiện đại hơn, đảm bảo chi đúng, đủ quyền lợi BHYT của người dân, kịp thời phát hiện các trường hợp cố trình trục lợi BHYT.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sử dụng nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT hiệu quả; giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giai đoạn năm 2019 đến 2022; bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT. Đến nay, BHXH Việt Nam đã kịp thời thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt tổng mức thanh toán theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP cho các cơ sở y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Về nhiệm vụ năm 2024, theo ông Lê Văn Phúc, sẽ phối hợp với Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi Luật BHYT; phối hợp với Bộ Y tế tham mưu xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); qua đó đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người dân tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chi đúng, chi đủ trong khám chữa bệnh BHYT.