Hà Nội

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

17-11-2024 16:41 | Y tế
google news

SKĐS - Sau 25 năm, Việt Nam có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời khoẻ mạnh. Trong đó, có gần 3.000 trẻ được chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương nhờ kỹ thuật IVF.

Ngày 17/11, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm IVF Hùng Vương - tiếp nối yêu thương.

Phát biểu tại buổi lễ, BSCKII Nguyễn Văn Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: "Sau 25 năm phát triển, tới nay Việt Nam đã có 64 cơ sở y tế được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đã có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và hơn 400 bé chào đời từ kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trên khắp cả nước".

Riêng Bệnh viện Hùng Vương, sau 20 năm phát triển kỹ thuật IVF thành công đã chào đón hơn 3.000 trẻ em. 

Có thể nói, bệnh viện đã tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực sản phụ khoa, trở thành một địa điểm đáng tin cậy trong chăm sóc sức khỏe phụ sản toàn diện, là nơi đặt niềm tin của các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh.

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm- Ảnh 1.

BSCKII Nguyễn Văn Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) phát biểu tại buổi lễ.

PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho hay, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF là kỹ thuật chuyên khoa sâu, góp phần mang lại hạnh phúc cho hơn 10% dân số đang tuổi sinh đẻ.

Hiện nay, mỗi năm khoa Hiếm muộn thuộc Bệnh viện Hùng Vương thực hiện khoảng 1.500 chu kỳ hút trứng và chuyển phôi để thực hiện IVF với tỷ lệ thành công đạt từ 48-50%. Tỷ lệ này ngang bằng với các nước trên thế giới và trong khu vực, trong khi chi phí thực hiện tại bệnh viện thấp hơn nhiều so với các nước khác. 

Theo đó, chi phí thực hiện IVF tại Bệnh viện Hùng Vương chỉ bằng 1/3 so với các nước Đông Nam Á và chỉ bằng 1/7-1/10 so với Mỹ.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Ban Giám đốc bệnh viện và khoa Hiếm muộn đã tăng cường đầu tư cho bác sĩ, cử nhân đi học để nâng cao tay nghề. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho khoa nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu tại buổi lễ.

"Đến nay, sau 20 năm, chúng tôi tự hào vì đã xây dựng được Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản đạt chuẩn quốc tế RTAC từ năm 2018 và duy trì đến nay. Chặng đường 20 năm qua đã, đang và sẽ mang lại hạnh phúc và hy vọng cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn. Những thành quả này chính là minh chứng cho sự kiên trì, sự sáng tạo không ngừng và tinh thần làm việc tận tâm của tất cả mọi người tại bệnh viện nói chBSg, của tập thể khoa Hiếm muộn nói riêng", Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương tự hào chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định: "Hành trình phát triển và thành tựu của Bệnh viện Hùng Vương không chỉ là niềm tự hào của riêng bệnh viện mà còn là dấu mốc, bước tiến quan trọng và là khởi đầu mới cho những mục tiêu lớn hơn của nền y tế TPHCM trong thời gian tới".

Để tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo tuyến Bộ Y tế giao phó, BSCKII Nguyễn Văn Chi đề nghị, thời gian tới Bệnh viện Hùng Vương cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp tục cải tiến các quy trình kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay nhằm tăng tỷ lệ thành công, đảm bảo chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế.

Đồng thời tăng cường đào tạo và phát triển nhân lực, đẩy mạnh các chương trình đào tạo đội ngũ bác sĩ, chuyên gia trẻ trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Khuyến khích các chương trình trao đổi, thực tập với các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm hàng đầu trên thế giới để cập nhật kiến thức và kỹ năng tiên tiến. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng hướng dẫn chuyên môn, đào tạo cho các tỉnh.

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm- Ảnh 3.

PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cùng mẹ con chị Bùi Thị Nguyệt Thanh - sản phụ sinh con thành công nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Bệnh viện cần tiếp tục đề xuất các dự án mở rộng nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ sở, trang thiết bị và các khu vực chuyên môn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bệnh nhân.

Mở rộng và duy trì thường xuyên các chương trình hỗ trợ, miễn giảm, ưu đãi để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ chất lượng của bệnh viện, đảm bảo mọi cặp vợ chồng có nhu cầu đều được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sinh sản với chi phí hợp lý, đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, bệnh viện cần tăng cường hệ thống quản lý và giám sát nhằm đảm bảo các quy trình y tế được thực hiện đúng chuẩn, tuân thủ pháp luật, tránh những sai sót, rủi ro không đáng có. Bệnh viện cần phối hợp với các cơ quan quản lý để đảm bảo tính minh bạch, an toàn tuyệt đối trong các dịch vụ y tế.

Hỗ trợ sinh sản là một lĩnh vực chuyên sâu về chuyên môn nhưng khá phức tạp về mặt xã hội nên đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu điều tri vô sinh, hiếm muộn của người dân. Đồng thời phải tuân thủ mọi quy định chặt chẽ của pháp luật hiện hành để giảm thiểu tối đa những nguy cơ, hệ luỵ lâu dài trong xã hội. 

Trẻ sinh ra từ phương pháp IVF có nguy cơ mắc các bệnh về tim cao hơn?Trẻ sinh ra từ phương pháp IVF có nguy cơ mắc các bệnh về tim cao hơn?

SKĐS - Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu ngày 27/9, cho thấy trẻ sơ sinh được thụ thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản, như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), có nguy cơ cao mắc dị tật tim.


Nam Thương
Ý kiến của bạn