Gần 140 người nhập viện trong tháng 2 vì ngộ độc thực phẩm

02-03-2015 16:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong tháng 2/2015, cả nước đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm làm 143 người mắc, 138 người đi viện và 1 trường hợp tử vong

Ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên chiếm tỷ lệ cao

Báo cáo về công tác y tế tháng 2/2015 của Bộ Y tế chiều ngày 2/3 cho biết, về căn nguyên của 8 vụ ngộ độc xảy ra trong tháng 2 có 1 vụ do nguyên nhân vi sinh vật, 5 vụ do yếu tố tự nhiên, 1 vụ do hóa chất và 1 vụ hiện chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.

“Tích lũy từ ngày 17/12/2014 đến ngày 16/2/2015 toàn quốc đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 462 người mắc, 454 người phải nhập viện và 6 trường hợp tử vong”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng hoạt động giám sát ngộ độc thực phẩm và có biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm từ trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, an toàn thực phẩm mùa lễ hội...

Thức ăn đường phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ngộ độc thực phẩm (Ảnh mang tính chất minh hoạ)
Thức ăn đường phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ngộ độc thực phẩm (Ảnh mang tính chất minh hoạ)

Trong tháng qua, công tác thanh, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội năm 2015 đã được Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đẩy mạnh tại một số tỉnh trọng điểm như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh. Kiểm tra về thực phẩm nhập khẩu và kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội và thanh tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng tại Trung tâm Thương mại Hapulico, Hà Nội…

Siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng

Liên quan đến việc thanh kiểm tra việc quảng cáo thực phẩm chức năng, TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, cuối năm 2014 và đầu 2015, số lượng các doanh nghiệp vi phạm tăng lên so với trước đây. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế thì năm 2015 sẽ tăng cường thanh, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với sản phẩm chức năng.

“Chế tài có đủ và mức xử phạt khá cao, ngoài ra còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, công bố công khai các sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm lên các phương tiên thông tin đại chúng. Hiện Cục An toàn thực phẩm đã và đang thực hiện nghiêm túc chủ trương này. Khi xử lý vi phạm xong, cuối tuần chúng tôi công bố các doanh nghiệp, sản phẩm vi phạm và hình thức xử lý trên cổng thông tin của Cục nhằm cảnh báo cho cộng đồng”- ông Phong cho hay.

Cũng theo ông Phong, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý như Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, các đơn vị phát hành quảng cáo, cơ quan báo chí… thông báo nội dung các sản phẩm được xác nhận thẩm định quảng cáo và đồng thời cũng thông báo cả các đơn vị, sản phẩm vi phạm. Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ xử lý các trang mạng, đơn vị quảng cáo, nhà in... quảng cáo không đúng, còn Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý các sản phẩm, đơn vị vi phạm.

Ngoài ra còn thông báo cho các cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố phối hợp xử lý các vi phạm về thực phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng.

Cơ quan chức năng đang kiểm tra thực phẩm chức năng dỏm vừa bị phát hiện, bắt giữ
Cơ quan chức năng đang kiểm tra thực phẩm chức năng "dỏm" vừa bị phát hiện, bắt giữ

Theo ông Phong, việc công khai tên doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm là một việc thông báo đến người tiêu dùng để họ tẩy chay hoặc tránh mua phải sản phẩm đó. Người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm chức năng khi có nhu cầu thực sự, mua loại nào cho phù hợp với mục đích nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng hoặc các nhóm thực phẩm chức năng có tác dụng đối với từng bộ phận cơ thể theo nhóm đó. "Nên dùng đúng, có nhu cầu thì hãy sử dụng, tránh việc nghe lời quảng cáo “đồn thổi” để mua và sử dụng theo khuyến cáo và tuyên truyền của những người không có chuyên môn"- ông Phong nhấn mạnh.

“Đối với doanh nghiệp, tốt nhất là sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo một cách nghiêm túc. Bởi, để xây dựng thương hiệu cho một doanh nghiệp hay một sản phẩm không phải là dễ dàng. Nếu không kinh doanh nghiêm túc thì sớm muộn cũng bị xử lý, đến lúc đó thương hiệu của doanh nghiệp có lớn như thế nào thì cũng sẽ mất, khó tồn tại được”- ông Phong khuyến cáo.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong: Có hai trường hợp vi phạm mà các công ty dược phẩm thường hay mắc phải. Một là quảng cáo sản phẩm không được cơ quan y tế xác nhận về mặt thẩm định nội dung. Thứ hai là quảng cáo sản phẩm không đúng với nội dung mà cơ quan y tế thẩm định. Ví dụ, một sản phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng, khi Cục xác nhận thẩm định công dụng như đã công bố, thế nhưng khi quảng cáo thực tế thì lại được thêm hàng loạt công dụng khác. Đó là sai quy định.

 

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn