Gần 12.000 giáo viên, học sinh được trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu

10-06-2019 20:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Gần 12.000 giáo viên, học sinh được trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu là kết quả gần 1 năm hoạt động dự án “Nâng cao năng lực sơ cấp cứu tại trường học và cộng đồng” được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Sáng 10/6, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án 'Nâng cao năng lực sơ cấp cứu tại trường học và cộng đồng'.

Phát biểu tại buổi Lễ,  ông Lê Gia Tiến, Trưởng Ban Chăm sóc sức khỏe, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tai nạn thương tích đã gây ra nhiều mất mát cho xã hội, trong đó, trẻ em là đối tượng dễ gặp tổn thương. Trong thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em. Việc triển khai Dự án “Nâng cao năng lực sơ cấp cứu tại trường học và cộng đồng” có tác động tích cực, mang ý nghĩa thiết thực trong việc trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho học sinh.

Hướng dẫn giáo viên thực hành các thao tác sơ cấp cứu trên trẻ em và người lớn.

Theo đánh giá của ban điều hành dự án, với việc triển khai đồng loạt chuỗi các hoạt động như: Lễ khởi động dự án, Ngày hội sơ cấp cứu tại cộng đồng chung cư, tập huấn sơ cấp cứu cho giáo viên, tập huấn sơ cấp cứu cho học sinh khối lớp 4 và lớp 5, Hội thi sơ cấp cứu cho học sinh các trường tiểu học…, dự án đã đạt hiệu quả cao; các hoạt động của dự án thiết thực, phù hợp với người hưởng lợi; sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng góp phần không nhỏ vào thành công của dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án cũng còn một số hạn chế như: Một số hoạt động ngoài trời nên bị động do phụ thuộc vào thời tiết; các hoạt động của dự án đều diễn ra vào các ngày nghỉ nên gặp khó khăn khi triển khai; nguồn lực kinh phí của dự án còn có hạn…

Cán bộ Hội CTĐ TP hướng dẫn học sinh kỹ năng sơ cấp cứu.

Tại buổi tổng kết, các đại biểu  cũng đề xuất một số kiến nghị để dự án đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới như: Tổ chức các khóa học vào dịp Hè; trang bị dụng cụ để phục vụ cho tập huấn sơ cấp cứu; tập huấn nhắc lại cho học sinh; nhân rộng mô hình của dự án trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác…

Được biết, dự án được triển khai tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ tháng 10/2018 đến tháng 6/2019 với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu, nâng cao năng lực cho giáo viên, học sinh và cộng đồng nhằm phòng chống và giảm thiểu rủi ro do tai nạn thương tích trong cộng đồng; xây dựng và triển khai mô hình trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu trong trường học, tạo tiền đề để vận động các sở, ban, ngành ủng hộ việc nhân rộng mô hình tại các thành phố lớn vào các năm tiếp theo.

Trong khuôn khổ dự án, Hội Chữ thập đỏ cũng đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể triển khai thực hiện tốt các hoạt động của dự án nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu, nâng cao năng lực cho giáo viên, học sinh và cộng đồng góp phần giảm thiểu rủi ro do tai nạn thương tích, tạo tiền đề để vận động các sở, ban, ngành ủng hộ việc nhân rộng mô hình vào các năm tiếp theo. Đặc biệt tại buổi lễ có 04 quầy sơ cấp cứu với 04 chủ đề: Sơ cấp cứu khi bị dị vật gây tắc đường thở, Hồi sinh tim phổi, Chảy máu nghiêm trọng và Bỏng. Tại các quầy có trang bị dụng cụ, phương tiện sơ cấp cứu với sự hướng dẫn về kỹ thuật sơ cấp cứu của cán bộ Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội đã tạo nên sân chơi bổ ích và thu hút được sự tham gia đông đảo của các em học sinh và giáo viên Nhà trường. Thông qua hoạt động này, dự án đã tạo sự thu hút quan tâm của học sinh và giáo viên về vấn đề tai nạn thương tích tại trường học và cách sơ cấp cứu.

 


Lê Mai
Ý kiến của bạn