Đặc biệt năm nay, các thi sinh ở những khu vực có nguy cơ cao, khi đến các điểm thi được yêu cầu đeo khẩu trang và đo nhiệt độ. Gần 11 triệu thí sinh trên khắp cả nước đã dự thi đại học – hay còn gọi là Gaokao, kỳ thi được cho là “khắc nghiệt nhất” trên thế giới về cả tỷ lệ chọi và độ khó của đề thi. Theo Tân hoa xã, có hơn 7000 địa điểm thi trên khắp đất nước với gần 1 triệu giám thi trông thi và các nhân viên đảm bảo an toàn, kiểm tra gian lận….
Thí sinh ôn bài trước khi vào phòng thi
Cuộc thi đại học năm nay diễn ra trong bối cảnh thủ đô Bắc Kinh vừa xuất hiện những ổ dịch COVID-19 mới từ một chợ bán buôn hồi tháng trước. Dịch bệnh COVID-19 từ cuối năm ngoái đến nay khiến học sinh phải nghỉ học, và tham gia các lớp học trực tuyến từ đầu tháng 2. Một số thí sinh cho rằng việc học trực tuyến khiến họ gặp bất lợi trong kỳ thi. Thí sinh còn gặp phải những áp lực không nhỏ đến từ gia đình, nhà trường. Đạt điểm cao là cách duy nhất vào cánh cửa đại học cao vời vợi, đặc biệt là các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc. Điều này đã tạo áp lực không nhỏ cho các thí sinh.
Điểm số trong kỳ thi Gaokao quyết định cơ hội sống và khả năng kiếm tiền, do vậy đây là con số quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi đứa trẻ Trung Quốc. Suốt những năm tháng đến trường, nhiều học sinh chăm chỉ học thuộc lòng và luôn trong tình trạng căng thẳng. Nhiều gia đình khá giả cho con đi du học thường là do không hài lòng với kỳ thi này.
Một thí sinh được mẹ đưa đến địa điểm thi
Kỳ thi Gaokao bao gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng. Đó là các môn tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị). Đề chủ yếu là câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, nổi tiếng là rất khó. Đề Toán được so sánh với chương trình cấp đại học ở Anh. Nhiều thí sinh lo sợ nhất là bài luận. Để có một suất vào đại học hàng đầu ở Trung Quốc có mức cạnh tranh khốc liệt, ví dụ như có năm tỷ lệ chọi vào một đại học hàng đầu ở Trung Quốc là 1/50.000 .
Theo các quan chức Trung Quốc, các giám thị trông thi năm nay không chỉ có nhiệm vụ đảm bảo tính trung thực, công bằng cho kỳ thi mà còn phải theo dõi nếu có thí sinh bị ho hoặc sốt. Những thí sinh có triệu chứng sẽ được đưa đến phòng cách ly. Thí sinh Zhao Kexin cho biết, anh phải thông báo nhiệt độ của mình cho trường 14 ngày trước kỳ thi. "Mặc dù có đủ các biện pháp để bảo vệ nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi lo lắng về việc tụ tập ở khu vực công cộng, và việc tôi phải làm xét nghiệm", Zhao nói. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho kỳ thi vào tháng 6, sau đó lại lùi lại một tháng. Tôi đã không chuẩn bị cho sự thay đổi này và cảm thấy mình không thể vượt qua được”, một thí sinh 18 tuổi tên là Jiang cho biết.
Dịch bệnh cũng khiến kỳ thi quan trọng nhất tại Trung Quốc bị lùi một thời gian khiến nhiều thi sinh cho biết họ cảm thấy gặp áp lực kéo dài. Ông Ye Minjie, thành viên ủy ban của Hiệp hội Tâm thần học Trung Quốc, nói: " Gaokao là chiến trường của cuộc sống, đôi khi chiếm ưu thế trong cuộc sống của chúng ta, khiến học sinh lo lắng ... Năm nay đại dịch đã làm gia tăng áp lực cho các thí sinh khi hàng triệu người phải ở nhà trong một thời gian rất dài trước khi trở lại cuộc sống bình thường, học sinh được đi học".
Cha mẹ cũng cảm thấy áp lực trước kỳ thi vào đại học. Trong ngày thi, bên ngoài các địa điểm thi, phụ huynh học sinh tụ tập rất đông chờ đón các thí sinh.