Gần 1.000 nữ lao động tham gia tư vấn và khám sức khỏe sinh sản

03-06-2019 15:03 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong 2 ngày 01-02/6/2019, tại KCN Khai Quang (tỉnh Vĩnh Phúc), Quỹ Vì tầm vóc Việt (Quỹ VTVV) phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hoạt động khám và tư vấn sức khoẻ sinh sản (SKSS) lưu động miễn phí cho hơn 800 người lao động (NLĐ) đang làm việc trong các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ giai đoạn 3 của Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt”.

Tình hình thực tế tại các KCN cho thấy, NLĐ nói chung và lao động nữ nói riêng thường phải làm việc trong điều kiện áp lực và cường độ cao, thường xuyên phải tăng ca. Trong khi đó, kiến thức và kỹ năng chăm sóc SKSS cũng như thực hành tình dục an toàn của một bộ phận NLĐ còn thấp. Đây là nguyên nhân khiến cho một bộ phận không nhỏ người lao động bị viêm nhiễm phụ khoa và mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cụ thể, khi dự án tiến hành hoạt động khám và tư vấn SKSS cho NLĐ vào năm 2018 tại Hà Nội, có tới 70% số phụ nữ đến khám được phát hiện có viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục.

Thiếu kiến thức, kỹ năng; thiếu thời gian chăm sóc sức khoẻ bản thân; chi phí khám bệnh cao so với thu nhập là những lý do khiến NLĐ, đặc biệt là các lao động nữ chần chừ trong việc khám và xin tư vấn về SKSS.

Bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cho biết: “Chúng tôi quan tâm đặc biệt tới vấn đề chăm sóc SKSS của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng của họ. Đó là nhu cầu phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, cũng như hai bệnh hiểm nghèo của riêng phụ nữ là ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Cùng với các buổi truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc SKSS, hoạt động khám và tư vấn SKSS lưu động này sẽ trao thêm cơ hội để người lao động hiểu thêm về SKSS của mình và chủ động hơn trong việc chăm sóc SKSS của bản thân, mang thai và sinh con an toàn, khỏe mạnh, đóng góp sức lao động cho doanh nghiệp của mình và sự phát triển kinh tế, xã hội.”

Sau khi triển khai vào năm 2017 và 2018 tại các KCN ở Hà Nội và Bắc Ninh, Dự án “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt” đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía người hưởng lợi và các đối tác. Với mong muốn mở rộng địa bàn hoạt động, tăng số lượng người lao động hưởng lợi từ Dự án, năm nay Quỹ tiếp tục triển khai dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc(cụ thể là 3 KCN của tỉnh là Khai Quang, Bình Xuyên và Bá Thiện).

Chia sẻ về lý do đồng hành tài trợ chính cho chương trình khám và tư vấn sức khoẻ sinh sản (SKSS) cho nữ CNLĐ thuộc các KCN tỉnh Vĩnh Phúc lần này, dược sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung- Giám đốc nhãn hàng Dạ hương cho biết: “Ra đời năm 2003, Dạ Hương đã chọn cho mình sứ mệnh vì sự tiến bộ của phụ nữ. Với mong muốn thay đổi nhận thức và thói quen chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ Việt Nam bằng một loại sản phẩm chuyên dụng, giúp đem lại cho chị em sự khỏe mạnh, tự tin để từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc vun đắp hạnh phúc trong mỗi gia đình.

Trong gần 20 năm qua Dạ Hương luôn gắn bó và đồng hành cùng các hoạt động của phụ nữ Việt Nam trong mọi lĩnh vực từ giáo dục, y tế cho đến các hoạt động thể thao và văn hóa xã hội… Việc đồng hành cùng dự án Vì mẹ và bé  thêm một lần khẳng định Dạ Hương luôn hướng đến vấn đề chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng thể hiện cam kết bền vững, lâu dài và mong muốn của nhãn hàng Dạ hương được đóng góp tích cực hơn nữa vào trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng đặc biệt là sức khỏe sinh sản của phụ nữ Việt Nam”.


Dự kiến trong giai đoạn 3 sẽ có ít nhất 3.000 lượt NLĐ được cải thiện kiến thức, kỹ năng và thực hành về chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản - các biện pháp tránh thai an toàn và phù hợp với thể trạng người Việt Nam, và chăm sóc sức khỏe tinh thần/phòng chống trầm cảm, nhằm tăng cường sức khỏe và năng suất lao động của NLĐ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhà máy nói riêng và cho đất nước nói chung.


Ý kiến của bạn