Hà Nội

Gần 100 y bác sĩ ghi thêm kỳ tích cho ngành ghép tạng Việt Nam

05-04-2017 13:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cô gái 15 tuổi đã hôn mê gan, sự sống – cái chết của em chỉ trong gang tấc, gia đình đau đớn xin cho bệnh nhân về, bác sĩ cũng đã kí giấy, chuẩn bị xe để đưa bé về.

Cô gái 15 tuổi đã hôn mê gan, sự sống – cái chết của em chỉ trong gang tấc, gia đình đau đớn xin cho bệnh nhân về, bác sĩ cũng đã kí giấy, chuẩn bị xe để đưa bé về. Thế nhưng với một quyết định “còn nước còn tát”, các bác sĩ đã thuyết phục gia đình, và rồi, phép màu đã đến. Ca ghép gan đã thành công, các bác sĩ đã mang lại cuộc sống cho cô gái trẻ vốn hơn 90% là chết.  Đây là ca ghép tạng vô cùng phức tạp, thể hiện trình độ rất cao của kỹ thuật ghép tạng Việt Nam, đồng thời thành công của ca ghép gan này cũng thể hiện tình người cao cả. Đó không chỉ là sự sẻ chia sự sống vô bờ của tình cha - con mà còn là sự sẻ chia của những tấm lòng thiện nguyện từ Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup để sự sống được hồi sinh…Các bác sĩ thực hiện ghép tạng cho bệnh nhân M. Ảnh: PV

Các bác sĩ thực hiện ghép tạng cho bệnh nhân M. Ảnh: PV

Cứu cô bé “9 phần chết, 1 phần sống”

Chiều ngày 3/4, tại BV Việt Đức, các bác sĩ vui mừng thông báo ca ghép gan từ cặp bố - con ruột đã thành công. Thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí, GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức cho biết, tại BV Việt Đức, việc ghép gan đã thường quy nhưng đây là một trường hợp rất đặc biệt, hi hữu, bệnh nhân sống lại được là cả một kỳ tích bởi một loạt những khó khăn, chết mười mươi của ca bệnh này. Trước đó, cô gái 15 tuổi Dương Thị Phương M. (Tĩnh Gia, Thanh Hoá) bị suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính, xơ gan, đã hôn mê gan độ 3. Dù đã được hồi sức lọc gan, thay huyết tương nhưng nếu không được ghép gan, bệnh nhân sẽ tử vong. Hiện sức khỏe của cô gái tiên lượng tốt, các chỉ số sau ghép gan dần ổn định. Bố đẻ cô gái sau khi cho con 60% gan cũng đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định, chức năng gan tốt.GS. Giang và GS. Phú chủ trì họp báo. Ảnh: PV

GS. Giang và GS. Phú chủ trì họp báo. Ảnh: PV

GS. Bùi Đức Phú - Giám đốc BV Vinmec - nơi chuyển bệnh nhân M. đến BV Việt Đức kể lại:  Sau khi cháu M. được chuyển đến BV Vinmec, các y bác sĩ của BV đã nỗ lực tìm cách cứu cháu. Sau 3 tiếng hồi sức, bệnh nhân hồi phục trở lại; tuy nhiên, lúc này, gia đình lại không đồng ý ghép gan. Nếu cơ hội sống của trẻ trên 50% thì có lẽ người bố sẵn sàng hiến nhưng khi đó, cơ hội sống của đứa con chỉ còn 5-10%. Đây là yếu tố khiến gia đình vừa muốn phẫu thuật ghép gan, vừa muốn từ bỏ vì họ không dám đánh đổi người trụ cột gia đình khi mất một nửa lá gan mà không cứu được con. Trong hoàn cảnh đó, lãnh đạo BV Vinmec đã xin ý kiến lãnh đạo Tập đoàn và nhận được câu trả lời Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup sẽ hỗ trợ kinh phí cho ca mổ. Khi đó, các y bác sĩ quyết định thương lượng lại một lần nữa với gia đình và họ đã đồng ý. Cháu bé ngay lập tức đã được chúng tôi chuyển sang BV Việt Đức để tiến hành ghép gan.

Khi chuyển sang BV Việt Đức vào tối 28/3, bệnh nhân M. đã suy gan cấp, hôn mê gan độ 2 - 3, rối loạn đông máu nặng. Tiên lượng chắc chắn tử vong nếu không được ghép gan. May mắn xét nghiệm gan của người bố 39 tuổi hoà hợp. Tuy nhiên, gia đình trăn trở rất lớn,  không muốn đánh đổi sức khỏe của người cha để lấy 5-10% hy vọng, do đó đã xin giám đốc BV ký giấy xin về.

“Chúng tôi rất đau lòng khi phải huy động tới 5-6 người để gỡ hệ thống máy móc trên người cháu bé. Trong gần 2 tiếng, mọi động tác gỡ phải thật nhẹ nhàng để cháu không bị chảy máu, phồng rộp khi về. Khi xe cứu thương đang trên đường đến, gia đình đã thay đổi quyết định trong phút cuối”, BS. Đào Thị Kim Dung - Trung tâm Gây mê hồi sức - BV Việt Đức nhớ lại.

Ca ghép tạng phức tạp nhất từ trước đến nay

TS. Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm ghép tạng (BV Việt Đức) cho biết, ca ghép gan của cháu M. là bệnh nhân nặng nhất trong 36 ca được ghép gan tại BV Việt Đức bởi các chỉ số sinh tồn đều ở mức thấp nhất, rối loạn đông máu rất nặng. Để thực hiện ca ghép gan này, hơn 100 thầy thuốc của BV Việt Đức đã  tập trung làm việc, cứu cháu. Cháu bé sống được là công sức rất lớn của đội ngũ ghép tạng, trung tâm hồi sức của bệnh viện, của sự phối hợp với BV Vinmec trong việc hỗ trợ chi phí cho bệnh nhân.Bệnh nhân M. sau ca ghép tạng (ảnh chụp 3 chiều).  Ảnh:  D.Ngọc

Bệnh nhân M. sau ca ghép tạng (ảnh chụp 3 chiều).  Ảnh:  D.Ngọc

Ngày 29/3, bệnh nhân M. đã được các bác sĩ BV Việt Đức ghép gan từ nguồn cho là bố đẻ. Ca ghép tiến hành trong 9 giờ, sử dụng phương pháp ghép gan bán phần từ người hiến khỏe mạnh là bố bệnh nhân. Nửa gan phải của người bố được cắt (khoảng 60% thể tích gan của người hiến) và ghép cho bệnh nhân. Vì bệnh nhân có rối loạn đông máu nặng từ trước do hậu quả của suy gan cấp nên việc điều chỉnh đông máu trong mổ rất quan trọng nhằm hạn chế chảy máu cho bệnh nhân. “Cháu bé cũng có động mạch gan bất thường, các bác sĩ không thể nối được như truyền thống mà phải tìm đường nối khác phức tạp”, GS.TS. Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết.

Theo GS. Nguyễn Quốc Kính - Giám đốc Trung tâm Gây mê hồi sức (BV Việt Đức) cho biết, trong các ca ghép gan, không ca nào nặng bằng ca này. Ngay bản thân gia đình lúc đồng ý, lúc không đồng ý ghép. Bệnh nhân trước khi mổ bị mê nên không biết sau mổ bệnh nhân có tỉnh lại không. “Sáng ngày 29/3, trước mổ, bệnh nhân phù phổi cấp, suy hô hấp, hôn mê gan phải đặt nội khí quản. Hệ thống mạch máu của bệnh nhân qua nhiều bệnh viện đã được sử dụng hết, không còn chỗ nào chọc. Chọc chảy máu không cầm được thì bệnh nhân sẽ chết. Có bệnh nhân già 76 tuổi cũng không khó bằng ca này bởi bệnh nhân rối loạn đông máu nặng, động vào đâu là chảy máu đó”, GS. Kính nói. Chưa kể, bệnh nhân trước mổ nhiễm trùng nặng, sốt nên sau phẫu thuật bác sĩ phải tính toán rất kỹ việc dùng thuốc thải ghép, thuốc kháng sinh. Nếu dùng đủ thuốc miễn dịch thì nhiễm trùng bùng phát, không đủ thì lại thải ghép. Cân bằng giữa chống đông và không chống đông.

ThS. Đào Thị Kim Dung - Khoa Gây mê hồi sức cũng chia sẻ thêm những khó khăn của ca mổ này. Gia đình cháu bé là người dân tộc thiểu số ở một xã miền núi, rất nghèo. Mặc dù BV Vinmec hứa hỗ trợ toàn bộ ca ghép, thậm chí tiếp tục hỗ trợ nếu sau khi cho gan mà sức khỏe bố cháu bị giảm sút, gia đình vẫn lúc đồng ý, lúc không. Thế nhưng vượt lên tất cả những thách thức đó, các thầy thuốc của BV Việt Đức đã tập trung cho ca mổ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên ngành của BV trong ghép tạng đã giúp cho ca ghép thành công hơn mong đợi.Bố cháu M. sau ca ghép gan. nh:  D.Ngọc

Bố cháu M. sau ca ghép gan. nh:  D.Ngọc

Sau ghép chỉ 36 tiếng, bệnh nhân M. đã được rút nội khí quản, nhanh hơn dự tính phải thở máy 3-5 ngày, chức năng gan đang hồi phục, các chỉ số máu tiến triển tốt. Bố cháu sau khi cho gan con gái, hiện cũng đã ổn định sức khỏe, dự kiến sẽ được ra viện vào ngày 7/4, không sốt, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng gan hồi phục tốt như dự kiến.

Nói về ca ghép tạng ngoạn mục này, tại buổi gặp gỡ báo chí, GS. Giang đã dùng từ “ngả mũ kính phục” khâu hồi sức chuyên nghiệp của các bác sĩ - đồng nghiệp trong BV Việt Đức. “Đây không chỉ là ca bệnh khó nhất trong 36 trường hợp được ghép gan tại BV Việt Đức mà là một ca khó đến các trung tâm ghép tạng thế giới cũng hiếm gặp. Trên nền một bệnh nhân nặng, khi chuẩn bị ghép, bệnh nhân có nguy cơ tử vong trên 90%. Gia đình xin về, BV cũng kí quyết định và chuẩn bị cho xe xin về. Vậy mà giờ sau ghép, cơ hội sống của cháu là rất tốt”, GS. Giang nói.


Thái Bình
Ý kiến của bạn