Gần 100 điểm cầu kết nối tư vấn khám chữa bệnh từ xa với tâm dịch Đà Nẵng

19-08-2020 08:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa là một trong những nhóm giải pháp quan trọng khi dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và nguy cơ cao ở Việt Nam.

Chiều 18/8, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Tele-Health) chuyên ngành Hồi sức tích cực chuyên đề "Lưu ý trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19" với sự tham gia của các bác sĩ chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Nội và các học viên quan tâm...

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Bạch Mai triển khai buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa trên diện rộng với sự kết nối của gần 100 điểm cầu, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Quyết định 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.

Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên đề "Lưu ý trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19" tại Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Dự án tư vấn, khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện Bạch Mai nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới tham gia khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng chung hệ thống công nghệ thông tin.

Đồng thời, nâng cao năng lực cho y tế tuyến cơ sở đặc biệt là tuyến huyện. Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh. Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là người dân vùng sâu, xa, khó khăn. Từ đó giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí người dân phải chi trả.

Chương trình tư vấn, khám chữa bệnh từ xa có sự kết nối gần 100 điểm cầu.

Tại buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên ngành Hồi sức tích cực lần này, có các báo cáo viên của BVĐK khu vực Quảng Nam; BV Nhiệt đới tỉnh Hải Dương tại các điểm cầu. Các chuyên gia cũng sẽ cùng thảo luận về các ca bệnh điển hình.

Đặc biệt, tại điểm cầu Đà Nẵng - nơi đang có sự chi viện của hơn 50 y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sẽ có các chuyên gia tham gia báo cáo gồm:

- TS. Đỗ Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9 báo cáo về "Kinh nghiệm vận chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch";

- ThS. Phạm Thế Thạch - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực báo cáo về "Cơn bão Cytokine ở bệnh nhân COVID-19 và xử trí".

- TS. Trương Anh Thư - Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn báo cáo về "Những lưu ý và sau lần cần tránh của nhân viên y tế trong phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong lâm sàng".

TS. Trương Anh Thư và ThS. Phạm Thế Thạch báo cáo từ điểm cầu Đà Nẵng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa là một trong những nhóm giải pháp quan trọng khi dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và nguy cơ cao ở Việt Nam.

Dự án khám, chữa bệnh từ xa sẽ góp phần thực hiện “chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, giúp nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh tuyến dưới và năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện, giảm tỷ lệ chẩn đoán nhầm, chẩn đoán chậm; bệnh viện tuyến dưới được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”.

Các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Củng cố niềm tin của người dân với bệnh viện tuyến dưới, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến dưới lên bệnh viện tuyến trên, giảm thời gian, kinh phí đi lại…

Tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên ở tuyến Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.


Dương Hải
Ý kiến của bạn