Hiện nay trên sóng truyền hình, nhiều gameshow được mở ra đã đem đến cho khán những phút giây thư giãn, món ăn tinh thần mới lạ. Tuy nhiên, ngoài sự tồn tại bằng cách “câu” người xem với nhiều chiêu trò nhảm nhí thì thời gian qua, gameshow truyền hình còn có nhiều tiết mục mang yếu tố mạo hiểm, bạo lực khiến người xem không khỏi lo lắng.
Từ bạo lực...
Cuộc chạy đua của các chương trình giải trí truyền hình ở nước ta vẫn diễn ra hết sức sôi động và náo nhiệt. Tuy nhiên, số lượng nhiều không có nghĩa đều chất lượng. Tại một số chương trình, khán giả từng chứng kiến các nghệ sĩ, khách mời diễn hài quá đà và có lúc tiết mục chứa đựng yếu tố bạo lực.
Ơn giời, Cậu đây rồi! là một trong những chương trình truyền hình thực tế ăn khách đã đến với khán giả, tạo được nhiều sự chú ý vì kịch bản mới lạ cùng sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong làng giải trí Việt. Nhưng tại chương trình này, khán giả từng chứng kiến nhiều tiết mục mang tính bạo lực được phô diễn trên sân khấu. Trong một tiết mục mùa đầu tiên, Ơn giời, Cậu đây rồi, nhân vật anh trai của nghệ sĩ Việt Hương giả làm cướp đến tát, đánh đấm rồi bắt khách mời là nghệ sĩ Tiết Cương quỳ gối. Tiếp đến, một cô gái tới tố cáo, Tiết Cương đòi đồ của cô để đem tặng lại Việt Hương. Hai người phụ nữ xông vào đánh nam diễn viên túi bụi.
Bên cạnh đó, tại Ơn giời, Cậu đây rồi với tiểu phẩm có sự góp mặt của nghệ sĩ Thanh Thủy và Đại Nghĩa, khách mời Ngọc Tưởng tự nhận mình là siêu nhân khi tham gia diễn xuất bị Đại Nghĩa tát mạnh vào mặt, đầu, bị rượt đuổi, túm tóc, đè đầu xuống đất để xem siêu nhân có biết đau không. Không những thế, diễn viên Đại Nghĩa cầm điện thoại ném siêu nhân để xem “máu siêu nhân màu tím hay màu đỏ”...Chính những tiểu phẩm và thử thách kể trên đã khiến cho nhiều khán giả cảm thấy lo lắng, ngay cả NSƯT Hoài Linh - giám khảo chương trình Ơn giời, Cậu đây rồi đưa ra lời nhận xét các tiết mục có phần bạo lực.
Cũng trên sóng truyền hình, tại chương trình Cặp đôi hài hước, khán giả nhiều lần chứng kiến cảnh bạo lực đến từ cặp nghệ sĩ Don Nguyễn và Huỳnh Tấn Khoa. Tại chương trình này, với mục đích gây cười, cả hai nghệ sĩ này đã có những màn “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau. Chẳng hạn trong tiểu phẩm Anh không say nói về nạn rượu chè, bạo lực gia đình, khán giả phát hoảng với hành động người chồng (Tiến Khoa) tát vợ (Don Nguyễn) đến vẹo cổ. Không chỉ tiểu phẩm này, trong một số tiểu phẩm khác như Bóng bói, May mắn lần sau, Bay về đâu người ơi..., Don Nguyễn và Tiến Khoa cũng có nhiều diễn xuất là tát, túm tóc, đá nhau nhiệt tình trên sân khấu.
Hình ảnh trong một gameshow có cảnh đánh đấm đầy bạo lực.
Đến mạo hiểm
Không chỉ có bạo lực, một số chương trình còn cho thấy yếu tố mạo hiểm khiến người xem phát hoảng. Tiêu biểu tại màn thi đấu Ai gọt dừa nhanh hơn tại chương trình Song đấu. Theo đó, màn thi đấu này làm tất khán giả cả rợn tóc gáy khi võ sư Nguyễn Kim Tuấn (50 tuổi) lột dừa bằng răng và Phạm Thị Mỹ Linh (16 tuổi) dùng một dụng cụ chuyên dùng có đầu sắc nhọn cũng để gọt dừa. Sau hơn 1 phút “song đấu” gay cấn, võ sư Kim Tuấn giành chiến thắng. Tuy nhiên, trò chơi này khiến người tham gia phải lãnh chịu hậu quả bởi trong khi lột dừa, Mỹ Linh đã bị đứt tay, võ sư Kim Tuấn bị gãy một chiếc răng. Xem xong tiết mục này, nhiều khán giả cho rằng chỉ vì muốn mua vui cho khán giả, tạo hấp dẫn cho chương trình mà nhà sản xuất quên đi sự an nguy của người chơi.
Cũng tại Song đấu, màn tranh tài giữa thợ lặn Hữu Thời và nghệ sĩ thổi kèn Tuấn Vũ, hai người chơi đua nhau ai giữ hơi lâu hơn đã đem đến nhiều cảm giác sợ hãi với người xem. Trong khi đối thủ bỏ cuộc thì Hữu Thời ra sức phá vỡ kỷ lục của chính mình với hơn 3 phút. Tuy nhiên, Hữu Thời đã suýt ngạt thở và ngã xuống đất khiến chiếc bình đựng nước đã rơi theo. Cả trường quay đều nín thở trước tai nạn bất ngờ của Hữu Thời và phải mất một lúc sau, người chơi mới lấy lại bình tĩnh để đứng dậy. Ngoài ra, trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam, thí sinh Tấn Phát đã mắc lỗi khi uống phải ly đựng axit thay vì nước làm khán giả thót tim, bản thân Tấn Phát sau đó phải nhập viện để khắc phục hậu quả từ sai sót của mình.
Thay lời kết
Trước những tiết mục có tính mạo hiểm kể trên, nhiều khán giả cho rằng, ban tổ chức chương trình nên hạn chế mức độ nguy hiểm. Bởi dù mang lại những phút giây nghẹt thở, hồi hộp cho khán giả nhưng sự mạo hiểm dễ tạo sự cố ngoài ý muốn đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người chơi như trường hợp của võ sư Kim Tuấn, cô gái trẻ Mỹ Linh, thợ lặn Hữu Thời, Tấn Phát...
Trong khi đó, với một số tiết mục mang tính bạo lực, đa số khán giả nêu quan điểm cần phải dẹp bỏ hoặc nghệ sĩ phải biến tấu, diễn xuất thật tinh tế theo kiểu “đánh mà không đánh”. Bởi thực tế cho thấy, những màn phô diễn bạo lực trên sân khấu sẽ có tác động không nhỏ đến người xem, đặc biệt trẻ em vốn hay bắt chước. Rất có thể, thông qua những hình ảnh bạo lực từ các trò chơi, phim ảnh và cả những gameshow truyền hình thực tế ít nhiều sẽ góp phần hình thành những nhân cách “côn đồ học đường” đáng báo động thời gian qua. Vì lẽ đó, mong rằng gameshow giải trí truyền hình cần lành mạnh và có tính văn hóa nhiều hơn!