Cùng với sự phát triển và bùng nổ của nhiều gameshow giải trí dành cho người lớn, thời gian qua, các nhà đài ở nước ta cũng không ngừng mở ra gameshow cho các em thiếu nhi. Không thể phủ nhận các gameshow nhí đã giúp các em nhỏ có cơ hội và sân chơi để thể hiện tài năng ca hát, nhảy múa, diễn kịch... Nhưng thực tế cũng phản ánh, gameshow nhí vẫn còn nhiều hạn chế và để lại không ít trăn trở...
Không khó để công chúng nhận ra hàng loạt gameshow truyền hình nhí đã và đang được các nhà đài thực hiện được khán giả quan tâm như: Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Vua đầu bếp nhí, Biệt tài tí hon, Thần tượng tương lai, Thử tài siêu nhí, Người hùng tí hon, Tìm kiếm tài năng MC nhí, Nhí tài năng, Cha con hợp sức... Tất cả chương trình này đều có sức hút với các em nhỏ độ tuổi từ 6 - 14 tham gia và những gameshow này là sân chơi thiết thực để các em nhỏ thể hiện tài năng diễn xuất, ca hát, ảo thuật, sân khấu, nhảy múa... và nhiều lĩnh vực khác.
Tham gia gameshow nhí, các em nhỏ phải chịu rất nhiều áp lực.
Thông qua các gameshow này, nhiều em nhỏ trong vai trò thí sinh (hoặc khách mời) có thêm sự tự tin, bộc lộ năng khiếu, bản lĩnh thể hiện trước đám đông, bên cạnh đó giúp cho gia đình và tổ chức ngành nghề biết hướng đầu tư phát triển tài năng cho tương lai. Nhờ các chương trình gameshow nhí, nhiều tài năng đã được phát hiện và được khán giả mến mộ như “cô bé dân ca” Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Thiện Nhân, Đặng Tú Thanh, Minh Quang, Quế Anh, Gia Như, Nghi Đình...
Tuy có những ưu điểm kể trên song thực tế cũng chỉ ra rằng, các gameshow nhí ở nước ta thời gian qua để lại không ít hạn chế, trăn trở với công chúng và cả những người trong cuộc. Một điều dễ dàng nhận thấy chính là khi tham gia các gameshow, các em nhỏ phải có quá trình tập luyện và ghi hình. Thực tế, để có những hình ảnh đẹp, âm thanh tốt và các em có thể hoàn chỉnh hơn trước màn ảnh tivi thì trước đó, các em phải mất rất nhiều thời gian ghi hình cũng như tập luyện. Chính điều này khiến các em bị “đánh cắp thời gian”, thời gian học tập và tham gia các hoạt động khác bị thu hẹp. Một số phụ huynh cho con em tham gia gameshow từng chia sẻ, vì thời gian tập luyện lẫn ghi hình khá sít sao nên việc các em nhỏ ngủ không đủ giấc hay ăn ít, thậm chí bỏ bữa ăn là chuyện bình thường nhưng điều này lại không hề tốt cho sức khỏe của các em bởi đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Chưa dừng lại ở đó, khi tham gia các gameshow, nhiều em nhỏ cũng chịu sức ép từ dư luận và không ít điều tiếng. Điều này được chứng minh bởi có thời điểm, khi tham gia chương trình Giọng hát Việt nhí, cô bé Phương Mỹ Chi, chàng trai nhạc rock Quang Anh... bị cộng đồng mạng chê bai vì đem hoàn cảnh khó khăn lên sân khấu, sóng truyền hình để tạo sự chú ý. Tuy nhiên, thực tế phản ánh tài năng ca hát của hai em nhỏ này là có thực, dù có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cả Quang Anh và Phương Mỹ Chi đã nỗ lực vươn lên để chinh phục khán giả cả nước để rồi hai em nhỏ này là những gương mặt đứng cao nhất trong chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại ở các gameshow nhí thời gian qua chính là việc các em bị lôi vào những “cuộc chiến” thắng - thua đầy khốc liệt. Hầu hết các gameshow nhí hiện nay đều phải phân định “kẻ thắng, người thua” và các em nhỏ trở thành “chiến binh” của các nghệ sĩ làm huấn luyện viên (hoặc người hướng dẫn). Có phụ huynh của em nhỏ tham gia gameshow nhí từng chia sẻ rằng, vì muốn con mình đi theo hướng nghệ thuật nên đưa các bé đi thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác bất kể kết quả như thế nào. Các thí sinh nhí bắt buộc phải trong tình trạng sẵn sàng bước vào một “cuộc chiến mới” mà mỗi em là những chiến binh cùng tranh đấu để tìm ra người chiến thắng cuối cùng. Điều này vô tình tạo nên một áp lực không hề nhỏ với các bé khi luôn luôn phải cố gắng hết mức có thể nếu không muốn trở thành người thua cuộc. Áp lực đó đôi khi nếu không được người lớn và chính bản thân các em kiểm soát sẽ khiến các em rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn, tuổi thơ trong trẻo vô tình bị “đánh cắp”.
Hơn thế, dư luận cũng cho rằng các gameshow nhí cũng khiến các em làm việc quá sức. Bởi lẽ, trong nhiều chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc, khán giả chứng kiến các em nhỏ được huấn luyện viên chọn cho ca khúc khó, không hợp với độ tuổi như Cát bụi, Dạ cổ hoài lang, Đường cong, Một cõi đi về, Giấc mơ Chapi..., chưa kể nhiều em nhỏ còn phải gồng mình hát các bản nhạc quốc tế mà các em cũng không hiểu ý nghĩa, nội dung ca khúc đó là gì. Do đó, các em vô tình trở thành con rối trên sân khấu, là trò tiêu khiển để nhà sản xuất mua vui cho khán giả.
Theo chia sẻ của phụ huynh bé Minh Khang - cậu bé được biết đến với biệt danh “giáo sư biết tuốt” tham gia chương trình Biệt tài tí hon, bé Minh Khang khi tham gia gameshow mất nhiều hơn được, từ thời gian ghi hình trễ, những lần bị kích thích nói nhiều trên sân khấu cho tới lúc nhận giải Ba đầy sự phân biệt đối xử. Phụ huynh bé Minh Khang vì thế khẳng định không cho bé tham gia gameshow nào nữa vì quá cực nhọc và bé đã trải nghiệm đủ!