Mặc dù được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều tiếng cười cũng như kiến thức cho khán giả, tuy nhiên gameshow Nhanh như chớp (phiên bản gốc Thái Lan) đã được Việt hóa, thời gian gần đây khiến khán giả bức xúc vì những sai sót ngớ ngẩn. Chẳng hạn, phần thi vòng đặc biệt của bộ ba diễn viên Huỳnh Lập - Quang Trung - Dương Thanh Vàng có câu hỏi: “Kể tên 20 quốc gia đã đăng cai World Cup?” và 3 nghệ sĩ chỉ trả lời được 13 quốc gia. Tuy nhiên, khán giả nhận thấy câu hỏi này chưa hợp lý vì tính đến năm 2018 chỉ có 17 quốc gia đăng cai tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh - World Cup. Ở một tập khác, phần thi của MisThy, trước câu hỏi “Lần thứ 2 đến ngôi trường Hogwarts, Harry Potter đi bằng xe lửa hay máy bay”?, MisThy trả lời là xe lửa nhưng MC Trường Giang cho đó là đáp án sai, câu trả lời đúng là “ô tô bay”. Nhưng trên thực tế, ai cũng biết cậu bé phù thủy Harry Potter đến Hogwarts bằng xe lửa chứ không phải “ô tô bay”.
Cũng tại gameshow Nhanh như chớp, Lan Ngọc nhận được câu hỏi: “Nàng Mona Lisa có lông mày bên nào đậm hơn?”. Đáp án của người dẫn chương trình đưa ra là “Mona Lisa không có lông mày”. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của kỹ sư Pascal Cotte người Pháp vào năm 2007, bức họa Mona Lisa vẫn có lông mày và lông mi, do đó chương trình đưa ra đáp án kể trên là không chính xác. Bên cạnh đó, trong các phần thi của Nam Thư, Vinh Râu, BigDaddy... tại Nhanh như chớp cũng dính nhiều sạn, chủ yếu đến từ đáp án chương trình đưa ra sai hoặc người dẫn chương trình vẫn chấp nhận câu trả lời chưa... đúng từ người chơi đưa ra. Chưa kể, MC Hari Won của Nhanh như chớp nói tiếng Việt chưa sõi nên khiến người chơi lẫn khán giả khó nghe, hiểu những gì cô muốn truyền tải.
Nhanh như chớp - Gameshow giải trí gần đây khiến khán giả bức xúc vì những sai sót liên quan đến kiến thức.
Trên thực tế, không ít gameshow khiến khán giả bức xúc. Trước đó, gameshow Dare Pong lấy cảm hứng từ trò “Beer Pong” (thử thách uống bia phổ biến trong các bữa tiệc nước ngoài) xuất hiện trên kênh Youtube Việt làm dư luận dậy sóng. Bởi lẽ, theo yêu cầu của chương trình, có 2 người chơi, mỗi bên sẽ để 10 chiếc ly, người chơi đứng ở hai đầu bàn ném bóng vào ly. 7 chiếc ly chứa những yêu cầu của chương trình, 3 ly còn lại là rượu buộc người chơi phải uống. Điều đáng nói, những tờ giấy yêu cầu được chứa trong mỗi chiếc ly khi được đọc lên khiến khán giả phát hoảng, như: tả 3 thế yêu mà bạn thích nhất; bạn đã làm “chuyện ấy” với bao nhiêu người; diễn tả biểu cảm của người yêu khi đạt đến “cực khoái”; kể về lần quan hệ của bạn với người khác sau khi chia tay bạn trai... Không ít người xem gameshow này đỏ mặt khi xem người chơi thực hiện các thử thách và đánh giá chương trình này phản cảm, thô lỗ, lố bịch.
Tại chương trình The Face Vietnam, mùa này nối mùa kia, khán giả phải “căng mình” để chứng kiến những cuộc cãi nhau như vỡ chợ của các người mẫu trong cương vị huấn luyện viên như Hoàng Thùy, Lan Khuê, Minh Tú, Võ Hoàng Yến, Minh Hằng... và các thí sinh tham gia chương trình này. Xem chương trình The Face Vietnam, tất cả người xem chỉ thấy nổi bật hơn cả là việc chặt chém, đấu khẩu ồn ào một cách phản cảm giữa người chơi và huấn luyện viên. Thất vọng với nội dung chương trình này nên nhiều khán giả đã tẩy chay, bởi họ không thấy được vấn đề chuyên môn và tính giải trí lành mạnh mà chương trình hướng tới. Bên cạnh đó, mới phát hành online nhưng gameshow Date & Kiss khiến nhiều khán giả phải lên án gay gắt vì có không ít cảnh ôm hôn nồng nhiệt giữa những người tham gia, thậm chí là cả người đồng giới.
Gameshow The Bachelor (phiên bản Việt: Anh chàng độc thân) cũng từng khiến khán giả bức xúc. Như tập lên sóng có sự xuất hiện của nam chính tên T., 33 tuổi, đang là giám đốc điều hành của một công ty ở TP.HCM. Tại chương trình, 24 người chơi nữ có không ít các gương mặt hiện đang là diễn viên, người mẫu, “hot” vlogger trên mạng xã hội giành giật để được T. lựa chọn. Tuy nhiên, hình ảnh 24 cô gái tranh giành một anh chàng bằng những cái liếc xéo, sự miệt thị người khác... khiến không ít người, đặc biệt phái nữ cảm thấy bị xúc phạm vì họ bị xem thường.
Rõ ràng, gameshow giải trí ở nước ta nhiều nhưng thiếu chất, không mắc chứng này cũng bị tật nọ khiến khán giả dần mất niềm tin và cảm tình. PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ, ngày xưa người ta chơi các trò chơi lành mạnh như trò chơi dân gian thì ngày nay các trò chơi trên gameshow mô tả những cảnh làm tình, khoe thân, tội ác... Để dẫn đến sự biến tướng thái quá trong các gameshow chính là do các nhà sản xuất chỉ nhăm nhăm vụ lợi kiếm tiền. Bởi vậy, khán giả hiện nay mong rằng các nhà sản xuất gameshow và nghệ sĩ phải xây dựng những tiết mục văn hóa chất lượng, vừa mang tính giải trí vừa đem lại điều gì bổ ích. Ngược lại, bản thân gameshow nhảm, nhạt sẽ tự bị đào thải hoặc khán giả chủ động quay lưng!