Hà Nội

Gameshow giải trí bao giờ có chất?

03-08-2018 14:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dù được kỳ vọng tạo ra tiếng cười và sự thoải mái đối với người xem truyền hình, tuy nhiên, không ít gameshow giải trí ở nước ta gần đây bị công chúng quay lưng vì thiếu tính sáng tạo, bộc lộ sự nhảm nhí. “Bao giờ gameshow giải trí có chất lượng và được cải thiện?” là câu hỏi thường trực nhiều khán giả đặt ra đối với nhà sản xuất, các nghệ sĩ nước nhà.

Không thể phủ nhận các gameshow thời gian qua ở nước ta đã tạo nên bức tranh đa sắc cho làng giải trí, đồng thời giúp khán giả có thêm nhiều lựa chọn khi muốn thưởng thức các chương trình văn hóa, giải trí trên các kênh sóng truyền hình. Tuy nhiên,  khán giả Việt khó tìm được gameshow chất lượng, có tính giải trí cao khi nhiều gameshow làm giống nhau, nội dung nhạt nhẽo và thậm chí phản cảm.

Là một chương trình giải trí mới phát sóng trên truyền hình gần đây nhưng gameshow “Khi đàn ông mang bầu” với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ chia thành cặp  gồm: Trấn Thành - Hari Won, Trường Giang - Hương Giang, Hứa Vĩ Văn - Kỳ Duyên đang dần mất điểm với người xem. Tại gameshow này, khán giả cảm thấy nhàm chán với sự ngôn tình của cặp vợ chồng Trấn Thành - Hari Won cũng như sự ích kỷ của Kỳ Duyên. Ở “Khi đàn ông mang bầu”, cặp đôi Hari Won - Trấn Thành thường xuyên có những cử chỉ tình tứ riêng tư, đồng thời Hari Won còn liên tục kể những câu chuyện đau khổ, bất hạnh trong quá khứ để lấy nước mắt người xem. Hoa hậu Kỳ Duyên lại khiến khán giả khó chịu khi tỏ thái độ ích kỷ, hẹp hòi khi bạn cùng đội chơi giúp đỡ người khác.

Khi đàn ông mang bầu là gameshow mới nhưng khán giả có phần thất vọng vì các chi tiết phản khoa học, thiếu thực tế...

Khi đàn ông mang bầu là gameshow mới nhưng khán giả có phần thất vọng vì các chi tiết phản khoa học, thiếu thực tế...

Bên cạnh đó, xem gameshow “Khi đàn ông mang bầu”, khán giả còn nhận thấy yếu tố phản khoa học, thiếu thực tế. Điển hình trong thử thách quay viral clip, ca sĩ Hương Giang vừa mang giày cao gót vừa nhún nhảy khắp nơi dù bụng đang mang thai (thai giả theo format chương trình - PV). Chưa kể  xuyên suốt gameshow, các nghệ sĩ nữ luôn trang điểm kỹ lưỡng, điều này với nhiều phụ nữ có thai là không nên làm. Vì thế, nhiều khán giả tỏ vẻ thất vọng và cho rằng “Khi đàn ông mang bầu” có chăng chỉ khác những gameshow hài ở chỗ là chiếc bụng bầu giả mà mỗi người chơi là các nghệ sĩ phải đeo.

Không đến mức thảm họa nhưng gameshow ca nhạc “Giọng ải giọng ai” (Hidden Voices) đã trải qua 2 lần tổ chức để lại không ít “sạn”. Ban bình luận trong gameshow này thường có cách đánh giá, nhận định chủ quan về người chơi với những lời đùa cợt, nhiều khi đánh giá về người chơi quá đà dẫn đến thô lỗ. Không ít lần ca sĩ khách mời tham gia chương trình lời qua tiếng lại như “chợ vỡ”, có hành động cười đùa mỉa mai với người chơi có giọng hát thảm họa. Ngoài ra, “Giọng ải giọng ai” được cho là lấy người chơi có chất giọng như tra tấn khán giả để mua vui. Và một số tập đã lên sóng, khán giả còn hoài nghi về việc ca sĩ khách mời hát “nhép” thay vì hát live (trực tiếp) trên sân khấu.

Gameshow Việt hóa “Đố ai hát được” dù là “món” mới với khán giả Việt nhưng cũng không tạo được hiệu ứng tích cực bởi sự kỳ dị, nhảm nhí khi khách mời được đặt trong tình huống treo mình trên cao, từ từ bị thả vào một bồn nước chứa đầy rắn rết, trăn, cóc, nước đá… nhưng vẫn buộc phải hát đến hết bài hát. Trái ngược với cảm giác sợ hãi của người chơi, các thành viên giám khảo ở gameshow này lại tỏ sự thích thú và cười sảng khoái trên nỗi sợ hãi của họ. Bị người xem quay lưng còn có gameshow “Cười là thua” vì sự phản cảm của nghệ sĩ hài. Người chơi phải chọc cười những khán giả có mặt tại trường quay bằng bất kỳ chiêu thức nào để thắng cuộc. Các nghệ sĩ dùng những câu nói vô nghĩa, thậm chí là hành động quá lố “ép” công chúng cười...

Thực tế trên cho thấy, gameshow giải trí ồ ạt đổ bộ sóng truyền hình và không ngừng được sản xuất ở nước ta với đủ thể loại. Khán giả ban đầu mừng thầm vì có thêm những “món ăn” tinh thần mới để làm giảm nỗi lo toan và căng thẳng ở cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, ngoại trừ một số rất ít chương trình có sự đầu tư, chọn lọc và sáng tạo thì đa phần các gameshow hiện nay na ná nhau, nhiều khi tiếng cười trở nên nhạt nhẽo, rẻ rúng. Ranh giới giữa sự giải trí hướng đến tính nhân văn, vun bồi chân, thiện, mỹ hay khai thác chạy theo thị hiếu tầm thường là điều mà công chúng đã, đang lo ngại về các gameshow Việt nói chung. Nghệ sĩ Xuân Hương đã phải thốt lên hai từ “kinh hoàng” trước mật độ dày đặc của các gameshow hài đổ bộ trên truyền hình. Theo nghệ sĩ Xuân Hương, trên tivi đưa những gameshow không biết phục vụ cho khán giả cái gì. Giải trí không, thỏa mãn nghệ thuật càng không. Trong khi đó, NSƯT Hữu Châu thẳng thắn chia sẻ: “Thà xem thế giới động vật còn hơn xem gameshow”.

Với khán giả, nhiều người mong muốn thưởng thức các gameshow có nội dung phong phú, đa dạng và đảm bảo chất lượng. Và để làm được điều này, các nhà sản xuất cần đầu tư nội dung, hình thức thể hiện cho gameshow chứ không nên chạy theo lợi nhuận, đưa ra những yếu tố thiếu tính thẩm mỹ nhằm lôi kéo người xem.


Tố Mai
Ý kiến của bạn