Game show Việt mạnh mẽ “lội ngược dòng”

09-06-2018 06:58 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS -Trong cuộc đua giành thị phần khán giả, nhiều nhà đài ở nước ta đã không ngừng thực hiện các game show giải trí đa dạng, đặc sắc phục vụ khán giả.

Trong cuộc đua giành thị phần khán giả, nhiều nhà đài ở nước ta đã không ngừng thực hiện các game show giải trí đa dạng, đặc sắc phục vụ khán giả. Đáng mừng, bên cạnh những game show được mua bản quyền của nước ngoài thì không ít game show thuần Việt thời gian qua ra đời và tạo được sức hút, để lại ấn tượng với khán giả.

Không khó để chỉ ra nhiều game show của nước ngoài được Việt hóa thời gian qua đến với khán giả nước ta như Thần tượng âm nhạc Việt, Nhân tố bí ẩn, Việt Nam Next top Model, Ơn giời! Cậu đây rồi, Vì yêu mà đến, Người giấu mặt, Giọng ải giọng ai, Giọng hát Việt, Ca sĩ giấu mặt, Lựa chọn của trái tim, Gương mặt thân quen, Sing my song, The Face...Thực tế cho thấy các game show trên khá ăn khách, làm mưa làm gió trên các diễn đàn giải trí ở nước ta nhưng không ít game show còn dính “sạn”, lấy nước mắt khán giả và “câu” người xem bằng các chiêu trò, scandal của thí sinh. Bên cạnh đó, hình thức và cách thể hiện của nhiều game show Việt hóa còn na ná nhau nên chỉ qua một, hai mùa tổ chức đã mất đi sự mới lạ, cuốn hút với công chúng.

Khi khán giả xem các game show Việt hóa nói trên và so sánh với phiên bản gốc của nước ngoài thì thấy rõ các chương trình ở nước ta còn kém một bậc, thậm chí nhà sản xuất ở ta còn tạo ra những chi tiết sốc gây tranh cãi để hút người xem. Chình vì điều này nên không ít khán giả ngao ngán dù nhiều game show Việt hóa đổ bộ sóng truyền hình nhưng chất lượng chưa cao, sự hấp dẫn và tính giải trí, giá trị nghệ thuật từ các game show này chưa nhiều. Do đó, khán giả “khát” những game show thuần Việt có tính giải trí, chất lượng để đẩy lùi những game show “cộp” mác nước ngoài nhưng chưa thật sự ấn tượng như đã nói trên.

Game show Việt mạnh mẽ “lội ngược dòng”Tiếng hát mãi xanh là một trong những game show giải trí thuần Việt được khán giả yêu mến trong nhiều năm qua.

Có cung ắt có cầu, nhiều game show thuần Việt thời gian qua đã ra đời và đa dạng, đủ hình thức, nội dung nhằm đáp ứng thị hiếu của khán giả. Các game show thuần Việt đã và đang được tổ chức như Vợ chồng mình hát, Cùng nhau tỏa sáng, Solo cùng Bolero, Tiếng hát mãi xanh, Người hát tình ca, Tình Bolero, Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt, Hội quán tiếu lâm, Hò xự xang xế cống, Làng hài mở hội, Sao nối ngôi, Tuyệt đỉnh song ca, Phái mạnh Việt, Lò võ thiếu lâm... ít nhiều đã để lại ấn tượng, sự yêu mến của khán giả dù các game show này chủ yếu phát sóng ngày thường trên các kênh truyền hình địa phương và không phải trong khung giờ vàng.

Một điều dễ dàng nhận thấy, các game show về nhạc Bolero gần đây như Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Song ca cùng Bolero đã đưa dòng nhạc Bolero đến gần hơn với công chúng, đồng thời lan tỏa và giúp dòng nhạc này “thức giấc” trong bối cảnh âm nhạc đương đại Việt đang hội nhập và hòa vào các dòng nhạc mới của thế giới. Trong khi đó, game show Vợ chồng mình hát, ngoài thi tài ca hát, điều quan trọng hơn là giúp các cặp đôi tham gia chương trình này gắn bó, yêu thương nhau hơn. Với Tiếng hát mãi xanh, bên cạnh việc phát hiện những giọng ca hay của các thí sinh đã ở tuổi trung niên, cao niên là những câu chuyện về nghị lực vượt qua khó khăn đời thường để thỏa đam mê ca hát của những người không có cơ hội làm ca sĩ. Hát cùng mẹ yêu lại là game show cho khán giả thấy được ngoài tài năng không chuyên của một số nghệ sĩ trung niên, công chúng còn thấu hiểu tình cảm mẹ con của người nổi tiếng.

Được nhiều khán giả chú ý, đánh giá cao những năm qua là game show Sao nối ngôi (phiên bản nhí). Trong game show này, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều tài năng sở trường cũng như sở đoản khác nhau của các em nhỏ như ca hát, ca cải lương, nhảy hiphop, múa, diễn kịch... tại những tiết mục biểu diễn rất chuyên nghiệp, hoành tráng và hấp dẫn. Bên cạnh đó, Sao nối ngôi phiên bản nhí còn là những câu chuyện gia đình nghệ sĩ nổi tiếng lần đầu được hé lộ, hay những màn đối đáp cực kỳ hài hước, ngây thơ, hồn nhiên và những nhận xét “cười té ghế” của các bé về cha mẹ mình. Ở phiên bản người lớn, Sao nối ngôi lại là sợi dây kết nối tình cảm giữa các thế hệ trong những gia đình nghệ sĩ, góp phần khơi dậy tình yêu những loại hình nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra cũng cần nhắc đến game show Đường đến danh ca vọng cổ vốn là một sân chơi đặc biệt cho những người trẻ yêu cải lương, góp phần mang hơi thở mới cho sân khấu cải lương trong thời đại mới.

Một điều đáng mừng khi các game show thuần Việt kể trên dù còn “non”, chưa có nhiều mùa thử thách và chịu sự tác động, cạnh tranh của các game show phiên bản nước ngoài nhưng lượng người xem trên các kênh truyền hình, chuyên trang giải trí rất cao. Khán giả đặc biệt đánh giá cao các game show thuần Việt bởi đó là sáng tạo của người Việt, các chương trình không đặt nặng giá trị vật chất mà thiên về giải trí, mang tính tinh thần là chủ yếu. Trong các game show thuần Việt, khán giả cũng không bắt gặp những chiêu trò như game show làm lại từ phiên bản quốc tế, ở game show Việt luôn hướng tới sự gắn kết cộng đồng, tôn vinh và khôi phục các giá trị đạo đức truyền thống văn hóa trong gia đình, xã hội và định hướng người xem đến các tiêu chí chân - thiện - mỹ.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn