Hà Nội

Game online được cấp phép trở lại

03-08-2013 10:31 | Xã hội
google news

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 1-9-2013, trò chơi trực tuyến (game online) tại Việt Nam được cấp phép trở lại.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 1-9-2013, trò chơi trực tuyến (game online) tại Việt Nam được cấp phép trở lại. 

 Game online được cấp phép trở lại  1

Doanh nghiệp phải có biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của game online

Một trong những điểm mới của Nghị định là có sự phân loại rõ từng loại trò chơi điện tử để thuận tiện cho việc quản lý. Theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1); Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (G2); Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (G3); Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (G4). Cách phân loại thứ hai là phân loại theo độ tuổi của người chơi phù hợp với nội dung kịch bản của trò chơi. Các trò chơi thuộc G1 sẽ được Bộ TT-TT cấp phép; còn trò chơi G2, G3, G4 phải có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và thông báo cung cấp dịch vụ đối với từng trò chơi điện tử.

Tuy nhiên, theo quy định mới này, doanh nghiệp phải có biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của game online như: phân loại trò chơi theo độ tuổi, khuyến cáo về những tác động ngoài mong muốn về thể chất, tinh thần có thể xảy ra với người chơi. Đối với trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đăng ký thông tin cá nhân của người chơi và áp dụng biện pháp hạn chế giờ chơi đối với trẻ em, người chơi dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ TT-TT. Bên cạnh đó, phải thiết lập trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ game online gồm đầy đủ các thông tin như: phân loại theo độ tuổi người chơi với từng trò chơi, quy tắc của từng trò chơi điện tử, quy tắc giải quyết khiếu nại tranh chấp... 

Nghị định này được coi như một giải pháp giúp doanh nghiệp game online thoát khỏi khó khăn hiện nay. Trước đó, do những đánh giá về tác động tiêu cực của game online, tháng 10-2010, cơ quan quản lý quyết định tạm ngừng cấp phép cho các trò chơi điện tử mới. Doanh nghiệp game online lâm vào tình cảnh khó khăn. Chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến” do Bộ TT-TT mới tổ chức, ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh Thanh tra Bộ TT-TT cho hay, vi phạm trong các doanh nghiệp game online là rất phổ biến. “100% doanh nghiệp có sản phẩm đã phát hành mà chưa được thẩm định. Có doanh nghiệp vi phạm nhiều lần. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đang bị đặt ở thế chân tường, buộc họ phải lựa chọn giải thể hoặc vi phạm để tồn tại” - ông Hùng nói. 

Theo đại diện của Hiệp hội Truyền thông số, trong hơn 3 năm tạm dừng cấp phép game mới, số lượng game không có giấy phép mới vẫn xuất hiện rất nhiều, khoảng 300-400 trò chơi, chưa kể các game mobile núp dưới ứng dụng của máy điện thoại di động. Bên cạnh đó, trò chơi trực tuyến có máy chủ đặt ở nước ngoài vẫn thu hút người chơi game Việt Nam, để lại hậu quả xã hội và kinh tế. 

Đại diện các doanh nghiệp cũng thẳng thắn thừa nhận điều này và mong muốn có Nghị định mới quy định về lĩnh vực này, vừa giúp doanh nghiệp vượt khó, phát triển và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Theo các chuyên gia, tái cấp phép trò chơi trực tuyến là tin mừng đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Nhưng yêu cầu đặt ra để được cấp phép cũng chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt với vi phạm cũng nghiêm khắc hơn. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ không có nhiều cơ hội với quy định mới.

Thông tin công cộng xuyên biên giới cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Quản lý các doanh nghiệp cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới: Nghị định 72 quy định, doanh nghiệp cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có lượt truy cập từ Việt Nam như: Facebook, Google... sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Đây là một điểm hoàn toàn mới so với Nghị định 97 cũ. Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới là một vấn đề “nhạy cảm” vì liên quan trực tiếp đến nhiều Hiệp ước, điều ước quốc tế đã được Việt Nam ký kết. Bộ TT-TT đang xây dựng thông tư hướng dẫn về vấn đề này và lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ.


Theo ANTĐ

Ý kiến của bạn