Gai xương có nguy hiểm?

24-05-2019 15:03 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh gai xương là tình trạng khi có những phần cứng xuất phát từ xương.

Hầu hết các gai xương không gây triệu chứng và làm chúng ta không để ý trong một thời gian dài đến khi có vấn đề gì đó xảy ra như bị chấn thương. Vài gai xương không gây đau, một số khác thì gây đau. Bệnh không cần phải điều trị trong tất cả các trường hợp, việc điều trị phụ thuộc vào phần xương nào có gai và bệnh gây triệu chứng thế nào. Rất nhiều bệnh nhân thường than phiền do đau âm ỉ, thường xuyên và nhức lưng, đau mỏi các xương khớp, thậm chí khó đi lại.

Gai xương là gì?

Về mặt thương tổn, gai xương hay chồi xương là từ mà các bác sĩ lâm sàng dùng để chỉ các hình ảnh bất thường quan sát thấy trên phim Xquang ở bệnh nhân bị bệnh lý thoái hóa khớp hoặc cột sống nhằm giải thích một cách dễ hiểu cho bệnh nhân hoặc người thân. Có hai loại gai xương mà cơ chế hình thành hơi khác nhau. Đó là gai xương trong bệnh lý thoái hóa khớp hoặc cột sống và gai xương trong các bệnh lý viêm mạn tính mô mềm (thường gặp là gai xương gót).

Người bệnh gai xương tránh mang vác vật nặng.

Người bệnh gai xương tránh mang vác vật nặng.

Sự hình thành gai xương

Đối với gai xương mô mềm, cụ thể hay gặp là gai xương gót, là biểu hiện của tình trạng viêm mạn tính của tổ chức cân thoái hóa trong bệnh lý viêm cân gan chân. Tình trạng viêm mạn tính, tái diễn nhiều lần gây tổn thương tại chỗ và hiện tượng lắng đọng canxi làm xuất hiện hình ảnh trông giống như cái gai ở vị trí xương gót nên còn được gọi là gai xương gót. Về cơ bản, hình ảnh này là biểu hiện hậu quả của tổn thương viêm chứ không phải là nguyên nhân chính của các triệu chứng trong tổn thương này nên về điều trị, nếu có phẫu thuật thì cũng không phải là để cắt gai xương mà là giải quyết các tổn thương viêm là chính.

Đối với gai xương trong bệnh lý thoái hóa, bản chất của gai xương là hình ảnh canxi hóa tổ chức sụn tái cấu trúc trong bệnh lý thoái hóa khớp. Chúng ta vẫn biết là trong các khớp hoạt dịch, các đầu xương được bọc bởi sụn khớp (cartilage). Đây là mô dạng nửa cứng, có vai trò bảo vệ các đầu xương, có tính đàn hồi và phân chia lực tác động khi truyền qua các khớp. Trong quá trình sinh hoạt làm việc, có nhiều yếu tố gây tổn thương lớp sụn này như chấn thương hay bệnh lý, trong đó thường gặp nhất là bệnh lý thoái hóa khớp. Sự tổn thương lớp sụn do phải chịu lực tải trong quá trình truyền lực qua khớp (vì vậy nên hay gặp các khớp ở chân hơn ở tay) và sự lão hóa của sụn theo tuổi.

Cơ thể là 1 bộ máy vô cùng kỳ diệu có khả năng tự sửa chữa các tổn thương nên khi có tổn thương sụn sẽ có quá trình tăng sinh, tái cấu trúc bù vào chỗ sụn tổn thương. Tuy nhiên, vị trí sụn tổn thương thường ở vị trí tỳ đè nên khả năng mọc lại sụn ở vị trí cũ khó khăn vì vậy thường hình thành nên các cấu trúc sụn ở các vùng rìa của khớp, tức là các vùng không tỳ đè, sau đó quá trình lắng đọng canxi làm xuất hiện các hình ảnh quan sát thấy trên phim Xquang gọi là gai xương. Như vậy, hình ảnh gai xương trong bệnh lý thoái hóa khớp là 1 trong các hình ảnh gián tiếp đánh giá mức độ nặng của thương tổn thoái hoá khớp. Gai xương càng lớn, càng nhiều thì mức độ thoái hoá càng nặng

Dấu hiệu của bệnh lý thoái hóa khớp

Triệu chứng gây phiền toái chính của bệnh lý thoái hoá khớp là đau, tuy nhiên gai xương là yếu tố gây đau kiểu viêm, đau do viêm của mô mềm như dây chằng bao khớp quanh khớp. Tại sao vậy? Khi khớp chuyển động, gai xương sẽ ma sát với mô mềm xung quanh (còn gọi là hiện tượng Impingement), thường nhất là các dây chằng của khớp, khi có 1 yếu tố thuận lợi như mức độ vận động quá nhiều, tình trạng viêm sụn trong khớp tăng lên thì khả năng viêm bao khớp và dây chằng tăng lên. Vì vậy, trong các phẫu thuật thay khớp, việc lấy bỏ triệt để các gai xương là yếu tố giúp cho sự thành công của phẫu thuật tăng lên. Đối với 1 số trường hợp mức độ thoái hóa khớp vừa, có chỉ định can thiệp nội soi khớp thì bên cạnh việc cắt lọc tổ chức viêm thì việc làm sạch các chồi xương (hay còn được gọi là cắt gai xương) là cần thiết, tất nhiên là ở những vị trí cần thiết và có thể can thiệp được qua nội soi.

Như vậy, hiểu đúng về gai xương giúp cho bệnh nhân đỡ lo lắng vì một số bệnh nhân không hiểu rõ, khi được bác sĩ nói rằng có gai xương thì nghĩ rằng trong khớp có “gai” và như vậy phải giải quyết cái “gai” đó mới hết đau được. Qua bài viết này, các bạn có thể hiểu sự thực không phải đơn giản như vậy.

Lời khuyên bác sĩ

Ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc uống hoặc thuốc tiêm tại chỗ để làm giảm viêm. Tuy nhiên, phương pháp này lệ thuộc vào vùng bị gai xương. Trong các trường hợp nặng như gai xương gây các vấn đề về thần kinh, cần phải phẫu thuật bỏ các gai.

Một số phương pháp hỗ trợ điều trị thông dụng khác có thể dùng như tập thể dục để tăng cường độ vững chắc của xương cũng như sức chịu đựng của cơ, chế độ ăn lành mạnh cung cấp các chất dinh dưỡng cho xương. Bệnh gai xương không cần phải điều trị trong tất cả các trường hợp nếu không làm cản trở hoạt động hằng ngày.


BS. Trần Việt
Ý kiến của bạn