Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ được công bố trên tạp chí Neuron. Theo các nhà nghiên cứu, gãi ngứa sẽ giúp cảm thấy thoải mái một thời gian nhưng sau đó, não giải phóng chất truyền thần kinh gọi là serotonin kích hoạt tế bào thần kinh trong tủy sống tạo nhiều cảm giác ngứa khó chịu hơn.
TS. Zhou-Feng Chen - Giám đốc Trung tâm đại học Washington cùng đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu trên chuột biến đổi gen để chúng thiếu các gen cần thiết để tạo serotonin và sau đó tiêm vào những con chuột chất làm ngứa da. Kết quả cho thấy, những con chuột này không bị xước da nhiều như những con chuột bình thường, tuy nhiên, khi chuột biến đổi gen được tiêm serotonin, hành vi gãi bình thường của chúng có thể được đáp ứng ngứa trở lại nặng hơn. Theo TS. Chen: “ Khi não nhận được tín hiệu đau đớn, nó phản ứng bằng cách sản xuất các dẫn truyền thần kinh serotonin giúp kiểm soát cơn đau đó. Nhưng serotonin lây lan từ não vào tủy sống và di chuyển đến tế bào thần kinh cảm nhận đau đớn để tế bào thần kinh đó ảnh hưởng đến cường độ ngứa”. Điều đó cho thấy, serotonin có vai trò quan trọng đối với cảm giác ngứa. Những phát hiện này có thể giúp tìm ra phương pháp điều trị đối với những bệnh nhân ngứa mạn tính bằng cách phá vỡ giao tiếp giữa serotonin và các tế bào thần kinh tủy sống gây cảm giác ngứa.
Minh Huệ (Theo LS, 11/2014)