Tôi bị gai gót chân, thường gây đau đớn và đi lại khó khăn. Tôi đã uống thuốc theo đơn cũng thấy đỡ đau. Tuy nhiên, với bệnh này tôi có nên tập thể dục bằng cách đi bộ không vì có người nói đi bộ nhiều cái gai chai đi, thành quen với cảm giác đau, lâu dần sẽ không đau nữa. Nhưng có người lại khuyên hạn chế đi bộ vì cái gai sẽ đâm vào các dây thần kinh dễ gây đau đớn. Tôi rất băn khoăn không biết cách nào đúng, mong giải đáp.
Nguyễn Hoài Phương (Hà Nội)
Khi bước đi, một gót chân sẽ tạm thời chịu trách nhiệm nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể. Lúc chuyển động, khối lượng mà gót chân gánh có thể gấp 20 lần trọng lượng của cơ thể.
Khi bạn ngồi hoặc thả lỏng cơ thể, phần cơ của bàn chân sẽ co lại để bảo vệ phần gân bị tổn hại, giúp cơn đau giảm đi. Nhưng khi đứng lên, áp lực quay lại và tình trạng có thể trầm trọng hơn. Qua thời gian, để đền bù lại việc gân chân liên tục bị tổn thương, cơ thể nỗ lực tìm cách sửa chữa giống như trường hợp xương bị gãy, có nghĩa là cơ thể sẽ tiết ra chất bao bọc phần gân bị tổn hại. Kết quả là gai xương gót xuất hiện và áp lực cơ thể đè nặng lên nó càng tạo ra cơn đau dai dẳng hơn cho chân.
Thông thường, gai chỉ xuất hiện ở một bàn chân chứ hiếm khi cả hai chân đều bị. Có nhiều triệu chứng cho thấy gai đã mọc ở chân: cơn đau buốt, giống như bị dao cứa bên dưới hoặc bên trong gót chân; cơn đau này thường dịu đi khi cơ thể nghỉ ngơi và lại đau hơn khi đứng dậy; cơn đau thường xuất hiện vào buổi sáng; cơn đau sẽ tăng khi bệnh nhân bước đi trên bề mặt cứng hoặc mang vác vật nặng.
Trường hợp của bạn nên dùng thuốc để điều trị triệu chứng như dùng thuốc giảm đau, giãn cơ, lý liệu pháp, xoa bóp và ngâm nước muối nóng mỗi tối trước khi đi ngủ. Nếu đợt nào thấy đau nhiều (đau cấp tính) thì nên nghỉ ngơi. Khi đỡ hoặc hết đau thì vẫn nên tập thể dục, đi bộ.
BS. Ngọc Anh