Gai cột sống, khi nào cần điều trị?

07-10-2014 13:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Gai cột sống là một biểu hiện của thoái hóa cột sống và cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây ra đau lưng, đau cột sống cổ.

Gai cột sống là một biểu hiện của thoái hóa cột sống và cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây ra đau lưng, đau cột sống cổ. Khi lớp sụn đĩa đệm giữa các đốt sống bị mất hoặc giảm chức năng dẫn tới mâm đốt sống phải chịu lực quá mức, sẽ hình thành các gai xương ngoài rìa thân đốt sống. Với bệnh lý này, không phải lúc nào cũng cần thiết phải điều trị, chỉ can thiệp khi có triệu chứng hoặc gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Biểu hiện và triệu chứng của gai cột sống

Nếu gai cột sống thắt lưng thì bệnh nhân có thể thấy đau tập trung ở giữa thắt lưng hay lan tỏa xuống vùng hông. Hầu hết bệnh nhân có cơn đau thắt lưng ở mức độ thấp và chịu đựng được (mạn tính), dù thỉnh thoảng có cơn đau dữ dội kéo dài vài ngày ảnh hưởng tới đi đứng, hạn chế vận động. Với cơn đau mạn tính, bệnh nhân đau nhiều hơn khi vận động, cơn đau sẽ giảm bớt lúc nghỉ ngơi.

Nếu gai cột sống xảy ra ở vùng cổ, bệnh nhân thường đau sau gáy, đau hai bên vai. Một số bệnh nhân bị gai cột sống cổ có thể bị đau buốt kéo lên đỉnh đầu, đau nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ. Gai cột sống cổ nặng, đặc biệt khi kèm theo thoát vị đĩa đệm vùng cổ, có thể chèn ép các rễ thần kinh, gây đau, tê lan xuống vai, cánh cẳng tay.

Trường hợp bệnh nhân ban đầu chỉ cảm thấy đau vùng thắt lưng, nhưng lâu dài cơn đau lan xuống mông, chân, hoặc đang đau vùng cổ, vai bỗng cơn đau lan xuống cánh tay thì có thể tổn thương đã chèn ép lên rễ dây thần kinh cột sống.

Nếu chủ quan không điều trị, về lâu dài bệnh nhân có thể bị biến chứng vẹo, gù cột sống và nếu có chèn ép rễ dây thần kinh cột sống kéo dài sẽ gây yếu cơ, teo cơ ở tay hoặc chân.

Chỉ phẫu thuật khi tổn thương chèn ép nặng

Gai cột sống hiếm khi can thiệp ngoại khoa, trừ trường hợp bệnh nhân bị biến chứng gây thoát vị đĩa đệm nặng, tổn thương gây chèn ép rễ dây thần kinh. Lúc này phải phẫu thuật để giải phóng chèn ép, chỉnh hình lại…

Để hạn chế bị gai cột sống cũng như thoái hóa khớp và cột sống nói chung, không nên vận động, bưng vác quá sức; khi bê nhấc vật nặng, tránh cúi gập lưng. Không nên ngồi lâu trong tư thế không dựa lưng, thiếu điểm tựa. Các bài tập thể dục cột sống cổ, thắt lưng hay những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội sẽ hữu ích, giúp làm chậm quá trình thoái hóa cột sống.

Cần cố gắng giữ cân nặng lý tưởng, bởi các nghiên cứu cho thấy những người tăng cân, béo phì có nguy cơ bị các bệnh lý thoái hóa cao hơn bình thường.

Đau lưng không chỉ là biểu hiện của bệnh lý gai cột sống mà còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như viêm nhiễm cột sống (do bệnh tự miễn, do vi trùng, do lao), hay loãng xương (làm gãy lún các đốt sống). Đau lưng cũng có thể do các bệnh lý ác tính di căn đến cột sống. Bởi vậy, khi bị đau lưng mà kèm theo sốt, sụt cân, thiếu máu, bí tiêu tiểu, yếu tay chân thì đi khám ngay tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Minh Xuyên


Ý kiến của bạn