Liên quan đến vụ bệnh nhân tử vong, bác sĩ (BS) “gài bắt” người nhà, trưa 15-4, ông Trần Thanh Tuấn cho biết đã chôn cất vợ mình là bà Nguyễn Thị Bích Chi ở nghĩa trang phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Chẩn đoán bị u não
Trong cơn nguy kịch, bà Chi được đưa từ phòng khám của BS Vũ Đình Hòe đến Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Bình Dương. Ngày 15-4, cán bộ Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết hồ sơ bệnh án thể hiện bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Chi được đưa đến BV cấp cứu vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 11-4. Chẩn đoán lúc vào viện là “theo dõi tai biến mạch máu não”. Do “bệnh nhân hấp hối xin về” nên BV cho về lúc 21 giờ 50 phút ngày 11-4. Lúc này, bệnh nhân đã được chẩn đoán là “u não thùy chẩm phải - tụt não”.
Một cán bộ y tế công tác tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương nói: “Tôi nghĩ có nhiều khi chỗ tiếp nhận ban đầu nhận điều trị hoặc chích thuốc nhưng tình trạng bệnh nhân đã rất nặng. Bệnh về não diễn biến rất nhanh. Muốn làm rõ phải có đánh giá, kết luận của cơ quan pháp y”.
Theo ông Tuấn, khi đưa bà Chi từ phòng khám của BS Hòe đến BV Đa khoa tỉnh Bình Dương thì tình trạng vợ ông đã rất tệ. “Vợ tôi chỉ thở máy. BS bảo để đây bao lâu cũng được nhưng không cứu nổi. Do đó, tôi đưa vợ về lo mai táng” - ông Tuấn nói. Ông Tuấn khẳng định trước khi đưa bà Chi về, BS thông báo “bệnh nhân có khối u não”. Thông tin này làm ông bất ngờ vì trước đây, bà Chi cũng từng được điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương và được thông báo chỉ bị “rối loạn tiền đình”. Ông Tuấn nghi ngờ vợ mình bị sốc vì tiêm thuốc, truyền dịch tại phòng khám của BS Hòe nên mới mất đột ngột như vậy. Do đó, người nhà của ông đến phòng khám đề nghị “hỗ trợ” tiền ma chay.
Một cán bộ hàng chục năm công tác trong ngành kiểm sát cho rằng dù hồ sơ bệnh án chẩn đoán nạn nhân bị u não thì vẫn không đủ căn cứ để nói nạn nhân chết vì u não, chết vì sốc thuốc, sốc vì truyền dịch ở phòng khám hay chết bất ngờ vì cả 2 yếu tố này cộng hưởng. “Muốn làm rõ thì phải khám nghiệm pháp y” - vị này nói.
Hợp lẽ hay không?
Luật sư Thái Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, nhìn nhận: “Người nhà có khám bệnh tại phòng khám của BS và sau đó xảy ra chết người, tức là có thiệt hại. Vì vậy, pháp luật cho phép họ có quyền thương lượng với nhau về vấn đề bồi thường. Họ thương lượng để giải quyết hậu quả là việc có người chết. Ở đây, nếu báo công an để bắt người ta về hành vi cưỡng đoạt tài sản là không đúng”.
Theo luật sư Hải, vấn đề là cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân bệnh nhân tử vong có phải là do lỗi của BS Hòe hay không. Nếu do lỗi của BS Hòe thì chẳng những phải đền tiền mà còn bị xử lý hình sự. Ngược lại, nếu không phải do lỗi của BS Hòe thì ông không có trách nhiệm phải bồi thường.
Ở góc nhìn khác, luật sư Lê Việt Hùng, Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Hoàng Minh Bình Phước (đóng tại Bình Dương), cho rằng về nghĩa vụ công dân, BS Hòe có quyền báo công an để nhờ can thiệp. Theo luật sư Hùng, lẽ ra công an không nên bố trí người “mời ông Tuấn về trụ sở” rồi giữ lại làm việc nhiều giờ trong lúc ông đang bận lo ma chay cho vợ. Cơ quan công an sau khi hay tin phải gặp người nhà bệnh nhân ngăn chặn từ đầu, giải thích cho họ hiểu sự việc sẽ dẫn đến những nguy cơ gì.
Phải khám nghiệm tử thi
Về việc Công an thị xã Bến Cát để hai bên tự hòa giải và cuối cùng đi đến quyết định không khám nghiệm tử thi, luật sư Thái Thanh Hải cho rằng trong trường hợp này, công an phải khám nghiệm tử thi dù gia đình đồng ý hay không. Tuy nhiên, công an cũng có cái khó của họ vì nạn nhân đã tẩm liệm, đây là chuyện động chạm đến yếu tố tâm linh. Luật sư Lê Việt Hùng nhận định: “Nguyên tắc là công an phải thuyết phục cho bằng được để người nhà tạo điều kiện khám nghiệm tử thi nhằm làm rõ nguyên nhân cái chết”.
Bài và ảnh: Như Phú