Gạch rơi vào ngón chân, nam thanh niên xuất hiện khó nói, cứng hàm và được phát hiện bị uốn ván

30-06-2023 21:09 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Tai nạn xảy ra cách đây 1 tháng, nam thanh niên 30 tuổi bị gạch rơi vào ngón chân. 15 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện khó nói, cứng hàm và được phát hiện bị uốn ván.

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau tai nạn bị gạch rơi vào ngón chân, người thanh niên không xử trí gì. Sau 15 ngày bệnh nhân xuất hiện khó nói, cứng hàm, miệng há được 2cm và được người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện Tỉnh Hà Nam. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán là uốn ván và chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Trong quá trình nằm điều trị bệnh uốn ván hơn 1 tháng tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân phải mở khí quản, thở máy.

Gạch rơi vào ngón chân, nam thanh niên xuất hiện khó nói, cứng hàm và được phát hiện bị uốn ván   - Ảnh 1.

Trong quá trình nằm điều trị bệnh uốn ván hơn 1 tháng tại khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới TW, bệnh nhân phải mở khí quản, thở máy.

Ths. Bs Nguyễn Quốc Phương- Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết: Bệnh uốn ván là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có tên là Clostridium tetani gây ra. Trực khẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là trong ruột các đại gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò... kể cả người. Tại đây vi khuẩn cư trú một cách bình thường không gây bệnh. 

Nha bào uốn ván có thể tìm thấy trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể gây nhiễm cho tất cả các loại vết thương.

Thông thường nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. 

Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và/hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.

Bs Nguyễn Quốc Phương nhấn mạnh, bệnh uốn ván là một trong những bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh và bệnh không lây từ người sang người. Vì vậy để phòng bệnh uốn ván, người dân cần đi tiêm phòng vaccine uốn ván đầy đủ. Số liều tiêm và thời điểm tiêm có khác nhau ở các đối tượng như trẻ em, người lớn, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ đang mang thai lần đầu, phụ nữ đang mang thai lần hai. Các bác sĩ khuyến cáo,  người dân cần đến các trung tâm y tế dự phòng tiêm phòng đầy đủ các mũi. Sau khoảng 10 năm sau khi hoàn tất các liều cơ bản (03 mũi) thì cần tiêm nhắc lại 1 liều vaccine, và sau cứ mỗi 5-10 năm thì sẽ tiêm phòng nhắc lại 1 lần.

Để phòng bệnh uốn ván, người dân nếu có vết thương dù lớn hay nhỏ cũng cần xử trí đúng cách. Cách xử trí vết thương tốt nhất là rửa ngay dưới vòi nước sạch để chất bẩn ra ngoài, làm sạch vết thương. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều bùn cát thì nên dùng oxy già sát khuẩn đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra ngoài, đồng thời tạo môi trường hiếu khí. Tiếp theo là rửa lại vết thương bằng xà bông rửa tay rồi lau khô. Nếu vết thương có dị vật thì cần rửa sạch tay rồi lấy dị vật ra, băng bó vết thương, tránh băng bó kín, chặt sẽ tạo môi trường kị khí để nha bào uốn ván phát triển.

 Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì nên đến cơ sở y tế để xử lý dị vật. Nếu vết thương xuất hiện những dấu hiệu như đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy từ vết thương, vết thương bốc mùi khó chịu, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành… người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế/ bệnh viện. 

Người dân tuyệt đối không được tự ý chữa bằng phương pháp dân gian như đắp thuốc, rắc thuốc bột. Sau khi xử lý tốt vết thương cần tiêm huyết thanh phòng chống uốn ván, tiêm càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24h.

24 ngày căng thẳng, bác sĩ cứu bệnh nhân uốn ván nặng thoát khỏi tử thần24 ngày căng thẳng, bác sĩ cứu bệnh nhân uốn ván nặng thoát khỏi tử thần

SKĐS - Vào viện trong tình trạng toàn thân cứng đờ, lên cơn co cứng vì nhiễm trùng uốn ván, bệnh nhân V.S.Đ đã được các y sỹ, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cứu sống một cách ngoạn mục.


T. Hải
Ý kiến của bạn