Gã thợ mộc và giấc mơ nhà chống lũ

05-05-2018 07:21 | Xã hội
google news

SKĐS - Bằng niềm tin và giấc mơ không lãng mạn của mình, gã thợ mộc Cao Phương Tùng (ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) đã chinh phục được Ban giám khảo và giành Giải ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà đa mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Gọi là giấc mơ không lãng mạn bởi những đêm thao thức dưới ánh trăng hay bên ánh đèn điện sáng choang, kể cả những lúc ngủ gục, thợ mộc Cao Phương Tùng vẫn tua lại những hình ảnh bao người nông dân miền Trung oằn mình với mất mát về của cải xen lẫn nỗi đau còn - mất kiếp người trong những đợt bão lũ ập xuống, kéo về. Sự thao thức ấy đã giục ông Tùng sáng tạo ra hình mẫu ngôi nhà độc đáo ứng phó tốt với bão lũ.

Ông Cao Phương Tùng nhận Bằng khen về thành tích sáng tạo nhà chống lũ.

Ông Cao Phương Tùng nhận Bằng khen về thành tích sáng tạo nhà chống lũ.

Sáng tạo vì người dân nghèo

Ông Cao Phương Tùng sinh năm 1965 tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Nhiều năm tháng chứng kiến cảnh hàng vạn người dân nghèo, nhất là ở vùng nông thôn cứ mỗi lần mưa lũ về lại điêu đứng vì sập nhà, mất của, sức khỏe kiệt cùng, bệnh tật xâm lấn, trong lòng ông luôn nung nấu ý tưởng thiết kế nên những căn nhà giá rẻ nhất nhưng hiệu quả chống lũ cao nhất. Cứ mô hình này thất bại ông lại sáng tạo mô hình khác. Từ ngày chuyển hẳn từ Quảng Nam lên huyện Buôn Đôn sinh sống bằng nghề thợ mộc, đam mê làm mô hình chống lũ cho người dân lại càng sống dậy mạnh mẽ hơn trong tâm trí ông. Không quản ngày đêm, ông Tùng đục đẽo, lắp ráp, thử nghiệm hàng loạt mô hình.

Đứng bên ngôi nhà cũ của mình, ông Tùng trăn trở: Mỗi ngày trôi qua tôi đều nghĩ đến người nông dân vùng lũ. Hình ảnh họ ăn sâu và tiềm thức như một nỗi ám ảnh vậy. Ở miền cao nguyên nhưng mỗi khi mùa lũ ùa về, thao thức mãi không chợp mắt được bởi nghĩ mình ở trong chăn ấm còn bao người lạnh giá trong nước đục. Thế là lại nghiên cứu. Không chỉ miền Trung mà cả những vùng trũng ở Tây Nguyên cũng nhiều phen bị thủy điện nhấn chìm trong nước.

Rồi, vào một buổi chiều tháng 11/2011 tình cờ xem tivi, ông Tùng thấy Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà đa mục tiêu, ứng phó với biến đổi khí hậu” khiến ông Tùng thao thức liên tục và quyết định phải thử sức mình ở cuộc thi cấp quốc gia chứ không thử nghiệm quanh quẩn ở huyện, ở xã nữa vì ông nghĩ rằng nếu sản phẩm được các nhà chuyên môn thẩm định, người dân sẽ có cơ sở để ứng dụng. Ý tưởng của ông Tùng lần này là ngôi nhà nổi chống lũ. Ngôi nhà này có thể bảo toàn tính mạng, sức khỏe và vật chất của người dân mỗi khi có mưa bão ập đến. Sau nhiều ngày làm mô hình và diễn giải, ông Tùng nhờ con gái viết đơn trình bày kèm phần phân tích chi tiết gửi đi dự thi. Kết quả, mô hình “Ngôi nhà chống lũ thông minh” của thợ mộc Cao Phương Tùng đoạt Giải ba. Mô hình của ông cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao, sát với thực tiễn cuộc sống.

Nhà chống lũ thông minh của ông Tùng đoạt giải toàn quốc nhưng vẫn chưa được ứng dụng.

Nhà chống lũ thông minh của ông Tùng đoạt giải toàn quốc nhưng vẫn chưa được ứng dụng.

Mô hình này nhìn bên ngoài giống nhà thông thường, nhưng khi có lũ về ngôi nhà tách thành hai phần, phần cố định và phần nổi. Phần nổi được định vị trong 4 trụ bê tông cao trên dưới 6 mét tùy mức đỉnh lũ tại địa phương, giữ cho ngôi nhà không bị cuốn trôi, giúp người dân ở cố định chứ không phải lũ đến là phải chạy. Khi có lũ, tài sản vật dụng, vật nuôi ở phần nhà cố định chỉ việc chuyển hết lên phần nhà nổi. Nước dâng lên đến đâu, nhà nổi dâng lên đến đó nhờ dàn thùng nhựa loại 200 lít lót dưới đế sàn nhà, số thùng nhiều hay ít tùy thiết kế nhà to hay nhỏ.

Đặc biệt giữa hai nhà, lối đi có mái che thiết kế kiểu chiếc thuyền úp ngược. Khi cần di chuyển, hay cứu người trong bão lũ, chỉ cần tháo bu-lon lật ngược mái che lại thành chiếc thuyền để sử dụng. Theo đánh giá của Ban tổ chức cũng như bản thân ông Tùng, để làm nên một ngôi nhà chống lũ thế này chi phí rất ít, trung bình chỉ mất chừng hơn 120 triệu đồng mà lại an tâm, an toàn. Cách sử dụng và vận hành ngôi nhà cũng khá đơn giản. Mọi chi tiết đều được ông Tùng mô tả tỉ mỉ với Ban tổ chức cuộc thi.

Khát vọng ứng dụng

Mô hình được đánh giá cao là vậy nhưng ông Cao Phương Tùng buồn rầu cho biết: Sau 7 năm được giải thưởng, tác phẩm của ông vẫn nằm trong ngăn bàn, nằm trên bản thiết kế, nằm trên mô hình mà chưa được đưa ra ứng dụng thực tế cũng như đăng ký bản quyền. Do hoàn cảnh gia đình là nông dân nghèo nên ông Tùng không có vốn làm một ngôi nhà mẫu hoành tráng giữa rốn lũ để ai cũng có thể thấy được hiệu quả trực tiếp từ đó nhân rộng cho các tỉnh miền Trung hoặc đồng bằng sông Cửu Long để người dân đỡ thiệt hại về người và tài sản khi mùa lũ về.

Ông Tùng (thứ 4 từ trái qua) đi khảo sát vùng quê nghèo để làm mô hình lò sưởi thông minh.

Ông Tùng (thứ 4 từ trái qua) đi khảo sát vùng quê nghèo để làm mô hình lò sưởi thông minh.

Ông Tùng bảo, mình đã dành bao năm nung nấu sáng tạo và được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao nhưng mùa mưa lũ năm nào cũng phải thấy người dân miền Trung ngụp lặn chới với giữa biển nước, đau xót mà không biết phải làm sao.

Từng chịu cảnh đau thương chồng lên đau thương trong mùa lũ năm 2017, ông Nguyễn Duy Hoàng ở Tuy Hòa (Phú Yên) thổn thức rằng: Trắng tay thì vẫn phải sống. Nhưng có một âu lo khác là liệu sau những mất mát này, bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra thế nào. Nếu các đập thủy điện không nghiêm túc đánh giá khoa học về công tác điều tiết nước; Không theo dõi sát các thông tin về dự báo thời tiết, thiên tai thì còn những nhân tai bất thường khác. Đặc biệt, những mô hình nhà chống lũ sao không được đẩy mạnh ứng dụng và phát triển trước bao mất mát đã xảy ra. Nỗi trăn trở của ông Hoàng càng khiến những người mê sáng tạo vì nông dân như thợ mộc Cao Phương Tùng trĩu buồn hơn.

Để thuận tiện ứng dụng, ông Tùng đã có một số điều chỉnh cho mô hình của mình, mong được Nhà nước quan tâm sử dụng để làm nhà chống lũ cho dân. Lật giở những hình ảnh kinh hoàng từ các mùa nước lũ trước, ông Tùng trầm ngâm: Có khi, một đời của người nông dân mới tích cóp đủ tiền xây căn nhà. Vậy nhưng, nước về lại chìm trong đau khổ, nghẹn nấc, bàng hoàng. Những xây dựng, kiến tạo và hy vọng cả đời bị xé rách, bị mất sạch, biết bắt đầu lại từ đâu. Nếu ứng dụng căn nhà thông minh này thì sẽ bảo toàn được tuyệt đối, không hư hỏng tài sản. Bản thân tôi vẫn đi nhiều nơi khảo sát và thấy tiềm năng ứng dụng rất cao. Ông Tùng cũng mở lòng mình sẵn sàng đến các vùng lũ hướng dẫn người dân cách lắp ráp và làm nhà chống lũ thông minh để đề phòng mưa lũ. Ngôi nhà này thậm chí có thể áp dụng được cả ở những vùng rốn thủy điện. Thủy điện thường xả lũ khó lường nên liệu pháp nhà thông minh sẽ là biện pháp hữu hiệu bảo vệ tính mạng và tài sản.

Không chỉ sáng tạo mô hình nhà chống lũ, năm 2013, day dứt trước cảnh trâu bò của dân nghèo vùng cao chết hàng loạt vì giá rét, ông Tùng lại lao vào mày mò nghiên cứu mô hình lò sưởi thông minh chống rét cho gia súc. Công trình này đã được Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia công nhận là mô hình sáng tạo, có tính ứng dụng cao và có thể nhân rộng. Tháng 2/2016, ông Tùng được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mời đi ra tận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai trình diễn mô hình lò sưởi thông minh chống rét cho gia súc. Mô hình này với giá thành chỉ trên dưới 1 triệu đồng nên rất được người dân địa phương yêu thích. Nhiều địa phương còn được ông Tùng đến tận nơi hướng dẫn cách làm và sử dụng hệ thống lò sưởi thông minh này. Chỉ cần ít tôn, thép và bộ mô tơ, công tắc là có thể ráp nên lò sưởi, sưởi ấm được cho hàng chục con gia súc trong những ngày giá rét.

Sự thành công của mô hình lò sưởi thông minh càng khiến ông Tùng khắc khoải nghĩ về số phận hẩm hiu của mô hình nhà chống lũ, cũng là “đứa con tinh thần” đầy tâm huyết mà ông đã sinh ra, chỉ mong được giúp dân nghèo đỡ cực nhọc chạy lũ hằng năm.


Hà Đạo - Nhất Vương
Ý kiến của bạn