Cảm hứng luôn trào dâng
Đã tạc bao nhiêu cặp tượng về lứa đôi yêu nhau rồi, A Đoàn nhẩm đếm không xuể. Ông bảo; Từ thời thanh niên hay khi bước vào tình yêu đầu đời mình đã bắt đầu thích tạc tượng các cặp đôi yêu nhau như muốn lưu giữ lại khoảng khắc vĩnh hằng ấy. Có người đi qua tuổi thanh xuân, nhìn thấy cặp tượng của mình mà hồi tưởng lại một thời son trẻ. Có gia đình còn nhờ tạc hẳn một bộ tượng thời son trẻ của họ để trưng trong nhà nữa. Góp phần tạo được niềm vui, hạnh phúc cho người khác, mình cũng vui theo.
A Đoàn bộc bạch; Tôi luôn sống trong nỗi thôi thúc lạ kỳ lắm. Không lý giải rõ ràng được nhưng đó là cảm giác sợ nhiều nét đẹp của đồng bào Tây Nguyên mình đang phôi phai. Hình ảnh tình yêu, gia đình hay các già làng uy tín, chứa ẩn bao điều kỳ diệu không còn nhiều nên phải nắm bắt được nguyên vẹn thần thái sau đó tái tạo lại trong những bức tượng”. Tạc tượng nhà mồ chính là cốt lõi của nghề tạc tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên hiện nay.
Bao biến cố đã trải qua, nhiều thăng trầm đã ập đến nhưng nghệ nhân A Đoàn vẫn giữ nguyên vẹn niềm đam mê với nghề tạc tượng. Ông bộc bạch; Thật ra, bây giờ gọi là nghề chứ trong ý nghĩ những nghệ nhân cốt lõi chúng tôi đó là công việc. Công việc ngấm vào máu từ lúc cất tiếng khóc chào đời kia. Mấy đời của gia đình A Đoàn đều mê tạc tượng. Không chỉ tạc những điều mình thích mà xuyên bao mùa mưa nắng, nghệ nhân A Đoàn rong ruổi khắp buôn sâu, rừng thẳm “chụp” lại những nét đẹp của Tây Nguyên vào ý nghĩ của mình. Với ông; Ánh mắt cháy bỏng đam mê của những nghệ nhân hát kể sử thi, dáng ngồi gõ chiêng của những người đàn ông lưng trần hay thần thái của những người phụ nữ vừa phát rẫy vừa dỗ dành con…chính là những vẻ đẹp hồn hậu, phóng khoáng và nhân từ cần phải giữ lại.
Nhiều đêm A Đoàn mê tạc tượng đến sáng
Chỉ tay về phía những cánh rừng, nơi có dãy Ngọc Linh án ngữ sừng sững, A Đoàn thổn thức; Trước đây đi một ngày đường rừng là thu nhận về hàng trăm nét đẹp, giờ đây đi hai ngày mới thu nhận được mấy ý tưởng thôi. Có hôm đi rạc cả chân mà không tìm được dáng vẻ của thanh niên nào mê cồng chiêng cả, buồn cái bụng lắm. Ngay sau lưng nhà A Đoàn là mấy tượng gỗ tái hiện một gia đình. Anh lý giải; Đấy, gia đình của người Tây Nguyên ấm cúng, hiền hòa vậy, phải giữ lấy chứ, còn gì đẹp hơn nữa.
Cách nhà A Đoàn không xa, ông A Đẩu ngồi vắt chân vừa hút thuốc vừa buông cái nhìn như chứa ẩn nỗi buồn vô hạn, cái bụng của A Đoàn tốt lắm. Nó đi biểu diễn tạc tượng khắp nơi cũng là muốn nói cho mọi người hiểu ý nghĩa sâu nhất của nghề này. Nó truyền dạy cho mình và nhiều người khác nữa. Chỉ sợ một ngày, linh hồn của buôn làng mình không còn nữa.
Gừi đi những thông điệp
Không vô cớ mà nỗi buồn của A Đoàn hay A Đẩu cứ dai dẳng như những cơn mưa rừng. Sẫm tối, nhìn những căn nhà lặng lẽ dưới các tán cây, mắt A Đoàn cụp xuống buồn thiu. Anh thổn thức; Mỗi bức tượng được tạc ra đều mang thông điệp cả, thông điệp cho hiện tại, cho tương lai. Nhiều buôn làng đêm đến là thanh niên đua nhau đi uống rượu, đàn ông có khi đánh cả phụ nữ…vẻ đầm ấm trong các hình mẫu xưa tuột dần. Những ngày hội, mình đi đến từng nhà lý giải về ý nghĩa của các bức tượng cho mọi người hiểu và đối chiếu với cuộc sống của mình.
Trước đây những nghệ nhân ở Tây Nguyên chỉ tạc tượng nhà mồ là chính, giờ đây, những nghệ nhân ở Tây Nguyên nói chung cũng như A Đoàn nói riêng còn tái hiện ngay hình ảnh những người đang sống và nhiều sản phẩm khác như; chim chóc, muông thú dùng để trang trí nội thất hay đặt trong khuôn viên gia đình. Dù đa dạng và có những biến đổi nhưng bất kỳ sản phẩm nào cũng truyền tải đi những thông điệp khẩn thiết. Chỉ tay vào bức tượng “Người đàn bà chịu khó”, A Đoàn trầm tư; Đây là nét đẹp thánh thiện và đáng kính nhất của phụ nữ Tây Nguyên đó là cần cù và chịu khó. Lớp trẻ giờ ham chơi lắm còn học đòi nhiều thói hư nữa. Bức tượng này như lời nhắc nhở với họ hay quay về vẻ đẹp thuần khiết của mình.
Mỗi sản phẩm đều truyền đi một thông điệp đẹp đẽ
Bạo tàn, cái ác, cái lai căng ở thời điểm nào đó có thể xâm nhập, chen lấn vào với cái đẹp, cái tử tế nhưng cuối cùng giá trị cốt lõi vẫn quay về, trỗi dậy sống động trong tâm thức mỗi người. A Linh ở xã Đắk Sao kể rằng; Hai năm trước mình chuyên đi quậy phá, không chịu làm lụng gì. Uống rượu đến nhập viện mới thôi. Vây mà khi được A Đoàn “truyền lửa” đam mê tạc tượng. Được A Đoàn kể chi tiết về ý nghĩa những bức tượg như; Người đàn ông trách nhiệm, người đàn ông của buôn…mình đã bừng thức và nhận ra cái đẹp thực sự là nhân nghĩa, là lao động là cách sống và đối đãi tốt với nhau hàng ngày, là cách sống hòa thuận giữa buôn này với buôn khác. Các thông điệp này đều nằm trong các sản phẩm tạc tượng cả.
Nghệ nhân A Đoàn khoe; Thấy mình đam mê tạc tượng từ tấm bé, lại đi khắp nơi truyền dạy nên có hội thi tạc tượng nào từ cấp huyện, tỉnh hay cấp khu vực mình đều được làm đại diện đi thi hết. Thấy nhân dân khắp nơi háo hức xem, say mê với từng đường nét trên các tác phẩm lòng mình như xốn sang và tràn dâng lòng tự tin tương lai sẽ có nhiều người biết đến người Tây Nguyên với những nét đẹp đặc trưng của mình hơn. Không chỉ muốn cho cộng đồng trong nước biết mà nhiều khách quốc tế trầm chồ trước nét đẹp của tượng gỗ Tây Nguyên cũng góp thêm phần khích lệ cho các nghệ nhân đam mê nghề tạc tượng. Những bức tượng mang đậm sắc thái của nét hồn nhiên trẻ thơ, nét đăm chiêu của già làng, nét hồn hậu của phụ nữ…như làm vơi đi bao nhọc nhằn, toan tính lẫn những hối hả của người thưởng thức.