Trưa 24/1 vừa qua, tại phòng khách Vàng trong Điện Élysées, trước 300 nhà báo và 160 vị đại sứ, Tổng thống Pháp đã họp báo công bố những kế hoạch của mình với tư cách là Chủ tịch luân phiên của G8 và G20. Liệu đây có phải là một nhiệm kì mang dấu ấn Pháp ở những tổ chức này?
Theo những gì được ông Sarkozy công bố thì có lẽ đúng như vậy. Ba mục tiêu lớn được ông Sarkozy đưa ra là ổn định hệ thống tiền tệ quốc tế, điều tiết thị trường nguyên liệu thô, đặc biệt là hàng hóa nông sản và cuối cùng là cải cách các định chế tài chính quốc tế. Báo Le Monde trong một bài bình luận hôm 25/1 khen ngợi là với những mục tiêu này, ông Sarkozy đã tỏ ra là “một người xã hội – dân chủ tốt và khôn ngoan”. Quả thực, đây đều là những mục tiêu mang dấu ấn Pháp đặc biệt rõ nét: khác biệt với khuynh hướng tự do chủ nghĩa hạn chế mọi sự điều tiết và chỉ hướng đến mục đích duy nhất là kích thích sự tự do phát triển (và tăng trưởng). Mục tiêu của tất cả những chính sách này có thể gói gọn trong một số từ: ổn định và kiểm soát (ở những mức độ nhất định và trong những giới hạn có thể). Đó chính là cái mà người ta có thể nói đến về một “tính chất Pháp”, quốc gia có khuynh hướng thiên tả (dù chính phủ cầm quyền có thể luân phiên giữa cánh tả hay cánh hữu) vào hàng bậc nhất của châu Âu, cùng với các quốc gia Bắc Âu và Đức. Không những thế, những đề xuất của ông Sarkozy có vẻ như lại đuợc sự ủng hộ của nhiều thành viên G8 và G20. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tỏ ý tán thành việc tăng cường điều tiết thị trường nông sản. Thủ tướng Anh David thì ủng hộ ý tưởng cải cách các thiết chế tài chính lớn trong khi đó Thủ tướng Đức Angela Merkel thì tán thành với những biện pháp đánh vào hệ thống tiền tệ quốc tế. Tất nhiên cũng phải nhớ rằng nước Pháp nắm nhiệm kỳ chủ tịch G20 và G8 lần này đúng vào thời điểm kinh tế thế giới đã thoát khỏi khủng hoảng và phục hồi đà tăng trưởng. Theo những tính toán của IMF thì năm 2011, tăng trưởng toàn cầu có thể đạt đến mức 4,4%. Tất nhiên, qua những biến cố toàn cầu trong vòng 10 năm qua thì những “tiên đoán” của IMF chỉ có một giá trị hết sức “tương đối”.
Ông Sarkozy đối mặt với nhiều khó khăn. |
Vậy là những đề xuất của ông Sarkozy có vẻ như đã gặp được cả thiên thời lẫn nhân hòa ở bên ngoài để hứa hẹn đạt được một số thành tựu nhất định. Thế nhưng, ngay chính trong lòng nước Pháp, làn sóng “chống Sarkozy” lại có vẻ dâng cao. Ngay trước hôm 24/1, hai cơ quan truyền thông lớn là Les Échos và France Info đã công bố số liệu điều tra xã hội học của BVA – Absoluce cho thấy 70% người Pháp nghi ngờ việc ông Sarkozy có thể đạt được những thành tựu lớn ở cương vị Chủ tịch luân phiên G8 và G20. Các báo Pháp, ngoại trừ tờ Le Monde đều tỏ ý nghi ngờ các đề xuất của ông Sarkozy. Không những thế, tờ Nouvel Observateur nhân dịp này còn làm một “sớ kể tội” chính quyền Sarkozy trong lĩnh vực đối ngoại với một loạt tội lớn: ủng hộ Ben Ali ở Tunisie và sau đó lúng túng khi đảo chính xảy ra, chia rẽ với châu Âu, để Liban ngả theo Syrie, “dây” đến độc tài ở Haiti và trên hết là khi đắc cử hứa nhiều và hứa to nhưng đa phần là không thực hiện được.