Trong bài phát biểu trên truyền hình gửi đến dân Pháp cũng như trong các cuộc gặp song phương với lãnh đạo G7, ông Macron đều nhấn mạnh đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo căng thẳng thương mại tác động tiêu cực tới tất cả các bên trong bối cảnh Mỹ vừa mới áp đặt các mức thuế mới với hàng hóa Trung Quốc và cảnh báo các sản phẩm rượu của Pháp có thể sẽ bị "đưa vào tầm ngắm".
Trong bài phát biểu trên truyền hình khi các lãnh đạo của các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) tới tham dự hội nghị thượng đỉnh ở khu nghỉ dưỡng Biarritz, Tây Nam nước Pháp, ông Macron cho biết mục tiêu của ông là thuyết phục các đối tác tin rằng căng thẳng thương mại có hại cho tất cả các bên và kêu gọi hợp tác vì "sự phục hồi thực sự" cho nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Pháp kêu các bên nỗ lực để giảm căng thẳng, ổn định các vấn đề và tránh các cuộc chiến thương mại. Theo ông, các quốc gia cần cam kết kích thích kinh tế để ngăn chặn nguy cơ suy thoái toàn cầu, bằng những biện pháp kích thích kinh tế thực chất, thúc đẩy tăng trưởng thay vì giảm sâu lãi suất, có thể khiến một số quốc gia gặp khó khăn về ngân sách phải cắt giảm đầu tư vào giáo dục và việc làm.
G7 khai mạc trong bất đồng và căng thẳng thương mại gia tăng.
Căng thẳng thương mại được cho là một trong những nội dung nghị sự chính trong hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra từ ngày 24-26/8 tại Pháp. Ngày 23/8, ngay trước khi tới Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp mức thuế lớn đối với rượu vang Pháp nhằm đáp trả kế hoạch đánh thuế của Paris nhằm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Liên minh châu Âu cũng đã có các cảnh báo thương mại cứng rắn nhằm vào nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7). Với những bất đồng giữa các nước thành viên, Hội nghị G7 lần này được cho là “ phép thử khó khăn” đối với sự đoàn kết và thống nhất của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới này.
Mặt khác,hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, khi thế giới đang phải trải qua những chuyển biến sâu sắc, khó lường, bản thân trong nội bộ các nước G7 cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, giữa các thành viên G7 với nhau chưa hết bất đồng và chia rẽ. Phát biểu tại buổi họp báo bên lề Hội nghị chiều nay, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) sẽ trả đũa Mỹ nếu nước này áp thuế đối với rượu vang Pháp.
Tuyên bố của ông Donald Tuskđưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo áp mức thuế lớn đối với rượu vang Pháp, nhằm đáp trả kế hoạch đánh thuế của Pháp nhằm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, chiến tranh thương mại giữa các quốc gia sẽ làm xói mòn lòng tin, dẫn đến suy thoái kinh tế trong khi các thỏa thuận thương mại sẽ giúp thúc đẩy các nền kinh tế. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng thuế là công cụ chính trị thì điều này sẽ nguy hiểm cho cả thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu.Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng nhận định, Hội nghị G7 sẽ là một phép thử khó khăn về sự thống nhất và đoàn kết trong khối“Thời gian qua đã chứng minh ngày càng khó khăn cho tất cả chúng ta để tìm ra một tiếng nói chung trong bối cảnh thế giới đang cần sự hợp tác của chúng ta hơn bao giờ hết. Đây có thể là cơ hội để chúng ta khôi phục sự đồng thuận chính trị giữa các nước”.
Bất chấp những thách thức phủ bóng Hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện vẫn hy vọng sẽ thuyết phục được các nhà lãnh đạo G7 hạ nhiệt cuộc chiến thương mại vốn đang gây bất ổn cho tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Tổng thống Pháp cho rằng, căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng thương mại, sẽ bất lợi cho tất cả mọi người. Các nước cần phải nỗ lực hạ nhiệt tình hình và tránh xung đột thương mại xảy ra.“Nếu chúng ta lắng nghe những người không có tinh thần lạc quan, chúng ta sẽ chẳng đạt được gì. Chúng ta sẽ không bao giờ tổ chức lại G7 được nữa hay bất cứ hội nghị nào khi chúng ta phải đối mặt với các thách thức lớn của thế giới. Vì vậy chúng ta phải chấp nhận để thỏa hiệp”
Tổng thống Pháp hiện muốn lãnh đạo các nước Anh, Canada, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ tập trung vào vấn đề bảo vệ dân chủ, chống bất bình đẳng, giáo dục, biến đổi khí hậu… Tổng thống đã mời lãnh đạo các nước từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đến để tham gia vào nỗ lực toàn cầu trong các vấn đề này. Có thể nói, Thượng đỉnh G7 năm nay chứa đựng rất nhiều chủ đề phức tạp và không dễ để các nước G7 có thể tìm được tiếng nói chung.