Cuộc họp thượng định G7 quy tụ lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada diễn ra trong hai ngày 7-8/6 tại CHLB Đức. Theo nhật báo Yomiuri, các lãnh đạo G7 sẽ ra tuyên bố kêu gọi duy trì trật tự quốc tế ở các vùng biển tranh chấp.Các lãnh đạo nhóm G7 cũng sẽ bày tỏ mối quan ngại về mọi hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở Bìển Đông và Biển Hoa Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng châu Á.
Cách đây một năm, các lãnh đạo nhóm G7 cũng đã từng bày tỏ mối quan ngại về căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trên vấn đề khai thác tài nguyên trên vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, yêu cầu các bên không được dùng vũ lực.
Trước đó, Hội nghị ngoại trưởng G7 diễn ra ở thành phố Lubeck (Đức) đã tạo bước ngoặt lịch sử khi đưa ra tuyên bố về an ninh hàng hải, kêu gọi sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm đảm bảo tự do, an ninh hàng hải và chống lại các hành động đơn phương khiêu khích của bất kỳ quốc gia nào. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu trong việc duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế. Đây rõ ràng là một thông điệp tinh tế gửi đến Trung Quốc.Thông thường Hội nghị bộ trưởng G7 tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế, tuy nhiên hội nghị năm nay đã ra tuyên bố về an ninh hàng hải liên quan đến tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử gần 40 năm của nhóm G7. Ngoại trưởng các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và các đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã tái khẳng định cam kết đảm bảo tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).Tuyên bố của G7 đã nhấn mạnh rằng việc chia sẻ các quan ngại về tình trạng hiện nay ở châu Á là rất quan trọng không chỉ đối với Nhật Bản (hiện dang có tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku / Điếu Ngư) và Mỹ, mà còn là các quốc gia châu Âu do số lượng lớn thương mại quốc tế được thực hiện thông qua vận chuyển hàng hải và vấn đề an ninh hàng hải là một điều kiện tiên quyết cho đảm bảo tự do của các hoạt động kinh tế. Phát triển và khai thác các quyền và lợi ích hàng hải phải được tiến hành theo hướng hợp tác giữa các quốc gia và trên cơ sở các quy tắc luật pháp quốc tế.Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ lo ngại về tình trạng gia tăng các tranh chấp tại Biển Đông gần đây và công khai nói rằng Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để gây sức ép đối với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực. Tuyên bố của ông Obama được đưa ra sau khi Bắc Kinh công khai tuyên bố kế hoạch xây dựng và cải tạo các đảo tại Biển Đông ngày 9/4/2015. Tuyên bố của G7 phản đối mọi hành động đơn phương gây căng thẳng cho khu vực, bao gồm cải tạo đất trên diện rộng, làm thay đổi hiện trạng khu vực Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua. Bên cạnh đó, G7 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các thỏa thuận hay các công cụ giải quyết tranh chấp khu vực, kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC), trong khi ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)... Tuyên bố chung cũng kêu gọi tất cả các bên để thúc đẩy đàm phán về COC và nhất trí một hội nghị cấp cao G7 về an ninh hàng hải sẽ được tổ chức vào cuối năm 2015.
Bên cạnh vấn đề biển Đông, bà Angela Merkel, Thủ tướng nước chủ nhà, đã đưa vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững lên ưu tiên nghị sự hàng đầu tại hội nghị G7 lần này.Các nhà lãnh đạo cũng sẽ tập trung vào các vấn đề tăng trưởng, an ninh, đe dọa khủng bố và dịch bệnh.Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng vấn đề tham nhũng có sự liên hệ với tất cả những chủ đề trên và cần được thảo luận cởi mở.Ông dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết tham nhũng làm đội chi phí kinh doanh trên toàn cầu lên 10% với khoảng 1.000 tỷ đô la Mỹ tiền lót tay mỗi năm.
Quỳnh Diệp (theo Yomiuri)