G7 bắt tay chia sẻ vắc xin, phục hồi kinh tế

14-06-2021 10:55 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hội nghị thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của nhóm kể từ năm 2019 sau khi cuộc họp năm 2020 bị hủy do đại dịch COVID-19.

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại khu nghỉ mát Vịnh Carbis, Cornwall, miền Tây Nam nước Anh. Nguyên thủ 4 nước khách mời khác cũng được mời tham dự kỳ họp lần này gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Nam Phi.

Chia sẻ với thế giới 1 tỷ liều vắc xin

Nguyên thủ các nước G7 đã đạt được đồng thuận quan trọng về chia sẻ trách nhiệm với thế giới thông qua chiến lược phân phối vắc xin. Thủ tướng Anh  Boris Johnson tuyên bố, G7 cam kết cung cấp cho thế giới khoảng 1 tỉ liều vắc xin thông qua các cơ chế hiện có và viện trợ song phương, coi đây là một phần trong nỗ lực của G7 nhằm hướng đến mục tiêu chấm dứt đại dịch trong năm 2022.

Các nhà lãnh đạo G7

Trong số này, 500 triệu liều vắc xin Pfizer do Mỹ cung cấp qua Sáng kiến COVAX  do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ trong 2 năm 2021 và 2022. Anh cam kết ủng hộ ít nhất 100 triệu liều cho những nước nghèo nhất, trong đó 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm nay. Theo Chính phủ Anh, khoảng 80 triệu liều sẽ được chuyển cho chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, phần còn lại sẽ được chia sẻ song phương với các nước có nhu cầu. Nhật Bản, cũng khẳng định sẽ đóng góp 30 triệu liều. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vắc xin vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.

Hoan nghênh động thái này, nhưng Tổng thư ký LHQ  Antonio Guterres, người tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách khách mời, cho rằng cần phải có nhiều vắc xin hơn thế. Ông nói:  “Chúng tôi cần một sự phối hợp,  cần kế hoạch tiêm chủng toàn cầu…. Nếu không nguy cơ dịch bệnh  vẫn còn, nhiều  khu vực của thế giới  virus sẽ tiếp tục lây lan như cháy rừng”. Người đứng đầu LHQ đã chỉ ra thực tế rằng,  nếu người dân ở các nước đang phát triển không được tiêm chủng nhanh chóng, virus có thể biến đổi mạnh  hơn và trở nên kháng với các loại vắc xin mới.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus  nhắc lại mục tiêu tiêm chủng cho 30% dân số của tất cả các quốc gia trên thế giới vào cuối năm 2021. Để đạt được mục tiêu này WHO cần “11 tỷ liều vắc xin”, ông Tedros nói. Trước mắt WHO cần 100 triệu liều vào tháng 6 và  7, 250 triệu liều nữa vào tháng 9. “Các quốc gia đang cần nhiều vắc xin hơn và nhanh hơn”, lãnh đạo WHO nhấn mạnh. Bày tỏ quan điểm của mình, Người đứng đầu WHO cho rằng,  việc các quốc gia tạm thời từ bỏ các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19 là "điều cần thiết".

Các nhà lãnh đạo G7 tại khu nghỉ mát Vịnh Carbis, Cornwall, miền Tây Nam nước Anh.

Tại hội nghị, nước chủ nhà là  Anh cho biết G-7 cũng sẽ công bố một gói các biện pháp nhằm giảm nguy cơ bùng phát một đại dịch khác. Chính phủ Vương quốc Anh cho biết, đó là  biện pháp ứng phó tập thể bao gồm rút ngắn thời gian chế tạo vắc xin, điều trị và chẩn đoán bất cứ bệnh dịch tương lai nào dưới 100 ngày, đồng thời củng cố mạng lưới giám sát toàn cầu.

Tiếp thêm sinh lực cho tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch

Bên cạnh vấn đề vắc xin COVID-19, các nhà lãnh đạo của G7  còn bàn thảo về vấn đề phục hồi sau đại dịch. Thủ tướng Anh Johnson nhấn mạnh "điều quan trọng là không lặp lại sai lầm" trong phục hồi kinh tế như cuộc khủng hoảng năm 2008, vốn đã tạo ra bất bình đẳng lan rộng. Theo Reuters, G7 sẽ tìm cách tạo ra một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu làm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc. 

Đó là một dự án do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất nhằm cung cấp tài chính cho các nước thu nhập trung bình và thấp trị giá tới 40 nghìn tỷ USD. Dự án mang tên  “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn”, được các nhà lãnh đạo G7 kỳ vọng sẽ tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế toàn cầu và là trụ cột của quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch.

Kế hoạch hạ tầng toàn cầu mới này có điểm khác biệt là không ràng buộc khoản vay với các điều kiện chính trị. Các quốc gia nghèo và đang phát triển có thể vay tiền từ dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi công nghệ hoặc cải thiện hệ thống y tế.

Bên cạnh những cam kết trao và tặng vắc xin, lãnh đạo các nước G7 muốn sử dụng dự án tham vọng này về lâu dài để tránh một thảm kịch toàn cầu khác có thể xảy ra trên bình diện kinh tế – xã hội.

 


Trần Hải
Ý kiến của bạn