FPT đề xuất mô hình kết nối dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế

23-09-2020 14:15 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Những chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ cũng như nỗ lực của ngành y tế đã bước đầu mang lại “trái ngọt” cho người dân. Tuy vậy, chuyển đổi số lĩnh vực y tế vẫn còn những điểm nút cần được tháo gỡ, mà vấn đề đầu tiên trong số đó chính là bài toán dữ liệu.

Trong những năm gần đây, ngành y tế Việt Nam đã và đang có sự thay đổi đột phá trên cả ba trụ cột chính: phòng bệnh - chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và quản trị y tế nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách toàn diện.

Thời điểm vàng để tăng tốc chuyển đổi số ngành y tế

Bộ Y tế cho biết, tính đến hết 2019, 100% bệnh viện đã triển khai tin học hóa, số hóa dịch vụ khám chữa bệnh và quản lý bệnh viện; 99,5% cơ sở y tế trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của bảo hiểm xã hội.

Trong năm 2019, Bộ cũng triển khai thí điểm nhiều ứng dụng y tế thông minh như Bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy; phần mềm Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân; phần mềm quản lý và liên thông các nhà thuốc trên toàn quốc.

Để đạt được những thành tựu này, yếu tố tiên quyết là hành lang pháp lý cho việc ứng dụng CNTT trong y tế, trong đó Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là những đòn bẩy quan trọng. Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 4888/QĐ-BYT ban hành Đề án ứng dụng và phát triển CNTT y tế thông minh giai đoạn 2019-2025, trong đó đề ra 9 nhóm giải pháp cụ thể nhằm ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế. Bên cạnh đó, công nghệ ứng dụng trong y khoa đã đạt được những bước tiến thần tốc.

Ông Lý Đức Đoàn, Giám đốc Trung tâm Y tế số FPT, chia sẻ tham luận tại Hội thảo

Các công nghệ 4.0 sớm được thử nghiệm và triển khai thực tế tại Việt Nam như công nghệ in 3D, giải pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh, hình ảnh từ xa bằng Trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống phẫu thuật bằng robot, hệ thống công nghệ y tế trực tuyến Telemedicine (dành cho các tuyến cơ sở, hoạt động khám chữa bệnh từ xa)...

Đây có thể coi là thời điểm vàng để đẩy mạnh chuyển đổi số ngành y tế, hướng tới quốc gia số. Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế & chăm sóc sức khỏe cộng đồng” trong khuôn khổ Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về Chính phủ điện tử 2020 (eGov) diễn ra hôm 17/9 vừa qua, nhiều lãnh đạo và chuyên gia y tế cũng như đại diện doanh nghiệp cho rằng, hành trình chuyển đổi số ngành y tế tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, một trong số đó là tình trạng dữ liệu phi tập trung.

Mô hình lưu trữ dữ liệu số - chìa khóa tạo đột phá cho ngành y tế

Nguồn dữ liệu lớn xuất phát từ các bệnh viện, phòng khám rất đa dạng, bao gồm dữ liệu cá nhân, các thông số bệnh tật, ghi chú lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán, dữ liệu dịch tễ học và hành vi người bệnh...

Tuy nhiên, do thiếu chuẩn đồng bộ, thiếu hệ thống lưu trữ thống nhất, nên nguồn dữ liệu quý giá được ví như “mỏ dầu” này vẫn nằm chủ yếu dưới dạng phi cấu trúc, phi tập trung và hầu như chưa được khai thác hiệu quả để cải tiến chất lượng chăm sóc sức khỏe. Trong phiên hội thảo chuyên đề, ông Lý Đức Đoàn, Giám đốc Trung tâm Y tế số FPT, đã giới thiệu xu hướng về mô hình chuyển đổi số trong y tế - “Mô hình lưu trữ dữ liệu trên nền tảng số phục vụ ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam”.

Đây là mô hình hệ thống thông tin y tế hướng dữ liệu, với lõi là Trục chuyển mạch thông tin y tế - có chức năng như nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo chiều ngang (giữa các cơ sở y tế các địa phương) và chiều dọc (cơ sở y tế với Bộ Y tế). Nhờ đó, toàn bộ nguồn dữ liệu khổng lồ từ các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, trạm y tế, nhà thuốc, các cơ sở y tế tư nhân... được xâu chuỗi và chuẩn hóa về một nguồn.

Dựa trên kho dữ liệu thời gian thực, các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo Bộ, các Sở y tế địa phương có thể đưa ra được mô hình cảnh báo dịch bệnh, quản trị chi tiêu, giám sát những tình hình bất thường, cũng như chủ động triển khai các dịch vụ mới phục vụ người dân. Các bác sĩ có thể truy cập để theo dõi toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân từ tuyến dưới, giúp đưa ra y lệnh chính xác hơn. Người dân cũng được hưởng dịch vụ với chất lượng cao hơn và trải nghiệm tốt hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Mô hình kết nối, chuẩn hóa và tạo lập dữ liệu y tế do FPT đề xuất

Ông Đoàn khẳng định: “Người dân là đối tượng có được nhiều lợi ích nhất từ mô hình này. Trên cơ sở nền tảng dữ liệu dùng chung của ngành y tế, người dân sẽ được cấp Sổ khám bệnh điện tử để kết nối, sử dụng tất cả dịch vụ y tế của các bệnh viện, từ đăng ký khám trực tuyến, nhận kết quả cho đến đóng tiền viện phí. Lấy ví dụ tại TP.HCM, Sở y tế thành phố đã khai thác chính nền tảng này để cung cấp thông tin cho người dân về các phòng khám không đạt chuẩn, thông tin về tình hình cảnh báo dịch bệnh...”

Theo đại diện FPT, mô hình này cũng được ứng dụng để hỗ trợ phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, cho phép người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay ở tuyến xã, tuyến huyện. Đặc biệt những người lớn tuổi, người dân vùng sâu vùng xa chỉ cần đến trạm y tế xã để được kết nối, hội chẩn bởi các chuyên gia ở tuyến trên. Đây là một trong những giải pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của Covid-19, cũng là một trong những biện pháp giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương.

Chuyên gia FPT kết luận: “Môi trường pháp lý để thúc đẩy triển khai chuyển đổi số ngành y tế đã sẵn sàng. Bộ Y tế đang đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến. Công nghệ đã đạt đến điểm chín muồi. Do đó đầu tư tương xứng vào các giải pháp đồng bộ từ hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung đến các giải pháp số, không chỉ làm tăng năng lực cạnh tranh cho các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tư nhân, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số y tế quốc gia với mục tiêu hàng đầu là lấy người bệnh làm trung tâm.”


Ng. H
Ý kiến của bạn