Trước đó, vào ngày cuối tháng 7 vừa qua, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã chuyển cho cơ quan chuyên trách của Việt Nam 250 triệu USD để bồi thường cho người dân chịu ảnh hưởng từ sự cố ô nhiễm môi trường biển do công ty này gây ra. Như vậy đến thời điểm này, Formosa Hà Tĩnh đã giữ đúng cam kết trước đó về khoản bồi thường, hỗ trợ 500 triệu USD.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh việc bồi thường thiệt hại bằng tiền, Formosa Hà Tĩnh còn phải thực hiện nghiêm các cam kết quan trọng khác đã đưa ra trước đó: Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra; phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự; không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình thực hiện ý kiến chỉ đạo mới đây nhất của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra.
Cụ thể, về việc xây dựng tiêu chí, nguyên tắc, phương pháp xác định, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý bổ sung các đối tượng gián tiếp bị thiệt hại là chủ tàu và người lao động làm thuê trên tàu cá lắp máy công suất từ 90CV trở lên; chủ các cơ sở và người lao động làm thuê tại cơ sở (thu mua) tạm trữ thủy sản có kho đông, kho lạnh, cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm, các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tạm dừng sản xuất do nguồn nước biển bị ô nhiễm tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý cho UBND 4 tỉnh lùi thời hạn gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính kết quả tổng hợp, xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn đến trước ngày 15/9/2016.
Đối với lượng thủy sản đang lưu trong các kho lạnh, kho cấp đông chưa tiêu thụ được thì tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm. Các lô hàng đảm bảo an toàn thực phẩm thì cấp giấy xác nhận đảm bảo an toàn thực phẩm để lưu thông, tiêu thụ. Các lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm thì tổ chức tiêu hủy theo quy định và hỗ trợ theo Quyết định 772/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với sản phẩm khai thác, nuôi trồng thủy sản sau thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chất lượng môi trường biển (ngày 22/8/2016): lấy mẫu giám sát công bố chất lượng an toàn thực phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngay tọa độ 3 vùng biển chưa an toàn (Sơn Dương - Hà Tĩnh, Cửa Nhật Lệ - Quảng Bình, Hòn Sơn Chà - Thừa Thiên Huế); tiếp tục quan trắc môi trường biển, công bố chất lượng môi trường biển; hướng dẫn các địa phương tiêu hủy các lô hàng thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các địa phương, tránh ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, chỉ đạo tại cuộc họp nói trên, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê hướng dẫn các Cục Thống kê phối hợp với các đơn vị chức năng của các tỉnh xây dựng định mức thiệt hại, thống kê, cung cấp các số liệu liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển thôn và các Bộ ngành có liên quan tổ chức tổng hợp, thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong tuần cuối tháng 9/2016. Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về môi trường biển, an toàn thực phẩm đối với thủy sản của 4 tỉnh miền Trung để nhân dân yên tâm sử dụng.