Hà Nội

Festival Huế thêm một lần nhìn lại

02-06-2010 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thế là đã trải qua 5 mùa festival Huế. Dân Huế đang náo nức chờ mùa festival thứ 6 diễn ra từ ngày 5 - 13/6/2010.

Thế là đã trải qua 5 mùa festival Huế. Dân Huế đang náo nức chờ mùa festival thứ 6 diễn ra từ ngày 5 - 13/6/2010. Nhiều chương trình festival Huế qua các mùa tổ chức đã hấp dẫn người xem như: Lễ hội Nam Giao, Huyền thoại Sông Hương, Lễ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung, Lễ thi tiến sĩ võ, Chợ quê ngày hội...

Suy nghĩ về hiệu quả qua mấy mùa festival, nhiều người cho rằng festival Huế đã trở thành một thương hiệu quốc tế, xứng đáng là nền móng để Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam. Festival đã làm thức dậy truyền thống văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam. Nhưng cũng không ít người cho rằng đầu tư quá tốn kém, hiệu quả không cao, có khi lỗ.

Vậy về góc độ kinh tế - xã hội, festival Huế đã mang lại hiệu quả như thế nào?

Theo chúng tôi, cái lãi lớn nhất là qua những kỳ festival Huế đã khai thác được trầm tích văn hóa cung đình, văn hóa dân gian để đối tác thành công với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và khắp các châu lục về Huế tham dự festival. Do vậy mà văn hóa Huế đã được biết đến ở nhiều nước trên thế giới. Vì thế qua mỗi kỳ festival, số nước đăng ký tham gia festival Huế lần sau cao hơn lần trước. Festival Huế 2008 có 23 quốc gia trên thế giới tham gia, năm 2010 sẽ có hơn 30 đoàn nghệ thuật đến từ 5 châu lục.

 Festival Huế 2008

Cái lãi thứ hai là qua mỗi kỳ festival, thành phố Huế lại được chỉnh trang sạch đẹp hơn lên. Nhiều đường phố được nâng cấp, mở rộng, nhiều khu vui chơi giải trí được xây dựng, nhiều doanh nhân đầu tư xây dựng, nâng cấp khách sạn khang trang hơn. Từ festival 2006 đến nay, nhiều khách sạn 4 sao, 5 sao ra đời nâng chất lượng phục vụ khách sạn ở Huế lên một bước. Những chiếc cầu cũ kỹ từ thời Pháp bắc qua sông An Cựu như cầu Nam Giao, Bến Ngự, Kho Rèn, An Cựu đã được đầu tư xây mới rộng rãi hơn, khang trang hơn.

Cái lãi thứ ba là các mùa festival đã tạo ra môi trường làm ăn thuận lợi cho kinh tế du lịch thương mại của Huế và các doanh nhân trong cả nước. Đã có hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước tham gia "Hội chợ thương mại và du lịch tại Festival". Đã có gần nửa triệu lượt khách tham quan mua sắm ở hội chợ. Làng cổ Phước Tích cũng sống lại các lò gốm xưa, sản xuất ra nhiều loại sản phẩm mới được khách hàng yêu thích và ca ngợi. Làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu) cũng tổ chức "Lễ hội sắc màu Thanh Tiên" đầy ấn tượng và hấp dẫn. Sôi động nhất là hoạt động du lịch. Khách du lịch quốc tế đến Huế trong 9 ngày festival hàng năm bằng 10% khách đến trong cả năm - một con số hiệu quả kinh tế không thể tính được là mỗi mùa festival Huế tạo ra thu nhập cao cho người lao động làm nghề buôn bán ở chợ, làm nghề xích lô, xe thồ, xe taxi, thuyền du lịch trên sông Hương, chụp ảnh, bán hàng lưu niệm, vẽ tranh, bán sách... Một không khí làm ăn tấp nập chưa từng thấy, tạo cho Huế một môi trường kinh tế rất thích hợp trong hội nhập thị trường.

Qua 5 mùa festival, 5 "Trại sáng tác điêu khắc quốc tế Ấn tượng Huế, Việt Nam", đã tạo ra hàng trăm tác phẩm điêu khắc có chất lượng ở 2 công viên bên bờ Bắc và Nam sông Hương và ở khu du lịch Thiên An, Thuận An. Đó là tiền đề cho Huế tổ chức những vườn tượng đẹp hấp dẫn du khách và trong sáng môi trường trong tương lai.

 Có lẽ, sau khi kết thúc mỗi kỳ festival, Ban tổ chức nên công khai những thông tin về thu chi tổng quát cho mỗi kỳ festival để nhân dân, cán bộ biết nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội, làm cho mọi người tin tưởng hơn về hiệu quả thực chất mỗi mùa festival. Chúng ta nên làm một cuộc điều tra thống kê đầy đủ hiệu quả kinh tế xã hội mà festival mang lại sau mỗi kỳ tổ chức, lấy đó làm cứ liệu quảng cáo đàng hoàng cho  festival Huế kế tiếp liền sau đó.

Nguyễn Quang Hà


Ý kiến của bạn