Hà Nội

Festival Huế chia tay bạn bè

17-04-2012 14:17 | Văn hóa – Giải trí
google news

Festival Huế 2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử”, điểm nhấn trong Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ đã kết thúc,

Festival Huế 2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử”, điểm nhấn trong Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ đã kết thúc, để lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng đẹp. Festival quy tụ 25 đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ đại diện cho các vùng miền trên khắp cả nước với hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và trên 65 đoàn nghệ thuật đến từ 28 quốc gia với 450 nghệ sĩ có tên tuổi.

Festival Huế đã làm thay đổi cách nghĩ của người dân Huế

Festival Huế 2012 để lại nhiều ấn tượng  trong lòng du khách. Hai đêm diễn ra Lễ hội áo dài đã đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. Tham gia trình diễn có 150 người mẫu chuyên và không chuyên đến từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, trong đó có sự tham gia của 2 Hoa hậu Việt Nam: Thùy Dung (2008) và Ngọc Hân (2010) càng tăng thêm sức hấp dẫn của lễ hội. Lễ hội áo dài năm nay đã tạo nên điều khác biệt khi có sự tham gia trình diễn của nhóm cựu nữ sinh Đồng Khánh trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Xuân Hảo.
 
“Âm vang hào khí Việt” trở thành nơi hội tụ tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc qua những màn biểu diễn trống và nhạc cụ gõ mang âm hưởng hào hùng của truyền thống dân tộc. Đêm sông Hương quyến rũ khách phương xa không chỉ bởi vẻ đẹp thơ mộng, hiền hòa mà bởi khung cảnh lãng mạn, hoành tráng, bởi lễ  hội “Thiên hạ thái bình’’ diễn ra tại sân khấu nổi. Một lễ hội "sân khấu hóa" bắt nguồn từ những áng thơ mang âm hưởng độc lập hòa bình, chạm khắc trên các cung điện đền đài Huế với sự dàn dựng công phu, thể hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc qua ngôn ngữ diễn xướng cung đình.
 
Chỉ là hoạt động làm nền cho Festival Huế, nhưng “Chợ quê ngày hội” đã tạo nên sắc màu riêng cho lễ hội. Đã qua 6 kỳ tổ chức, “Chợ quê ngày hội” Festival Huế 2012 đông vui hơn, nhiều sắc màu và rộn ràng hơn nhưng vẫn giữ nguyên được những bản sắc vốn có là một thành công lớn. Còn với lễ hội đường phố, du khách có cảm nhận về hình ảnh một xứ Huế mới sôi động, đa sắc màu và trẻ trung.
 
Đã có rất nhiều người cứ muốn mãi giữ nguyên về một hình ảnh xứ Huế yên tĩnh, sợ rằng sự rộn ràng kia làm mất đi bản sắc Huế, nhưng lễ hội Festival Huế đã thay đổi cách nghĩ của nhiều người, vẫn cần có thêm một hình ảnh mới trẻ trung và sôi động về xứ Thần kinh như sự điểm tô cho những giá trị văn hoá Huế. “Lôi” được người dân Huế ra đường trong các lễ hội đường phố mà không quá nhiều tốn kém là một thành công lớn đáng ghi nhận của Festival Huế 2012. Nó là minh chứng cho mục tiêu đưa “di sản hội nhập và phát triển”.

Nơi hội tụ nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc

Các đoàn nghệ thuật của nước ngoài tham gia chương trình nghệ thuật Festival Huế 2012 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc hàn lâm Quốc gia Nga Piatnitsky sở hữu nhiều nhạc sĩ, ca sĩ và nghệ sĩ múa ưu tú đến từ hơn 30 vùng miền của nước Nga, trong đó có 47 nghệ sĩ được giải thưởng trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế, các tác phẩm ca múa nhạc của Piatnitsky luôn được đánh giá cao về mặt nghệ thuật và được đón nhận nồng nhiệt.

 Một số tiết mục trong đêm bế mạc Festival Huế 2012.

Rất nhiều khán giả lần đầu tiên được tiếp xúc với điệu múa Odissi, dù không hiểu hết nội dung do các nghệ sĩ chuyển tải, nhưng đều bị cuốn hút bởi những động tác múa độc đáo được thể hiện chủ yếu ở hông, chân và nét mặt. Điều này tạo cho Odissi một nét khác biệt, độc đáo với những ngôn từ rất riêng.

Sẽ khó quên được chương trình biểu diễn của Đoàn nghệ thuật của Venezuela. Trong mỗi đêm diễn, rất nhiều khán giả đủ các lứa tuổi từ trẻ em đến người cao tuổi, thanh niên của đủ các sắc tộc, các nước đều lên sân khấu cùng nhảy với diễn viên.

Các đoàn nghệ thuật của Việt Nam đã “cháy hết mình” cùng Festival Huế 2012, đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Trong đó Đêm nhạc Trịnh Công Sơn "Chút thiên thu còn mãi" với những giai điệu quen thuộc đã cuốn hút  người yêu nhạc Trịnh. Ca sĩ, nhạc công ngồi hát trên một gò đất cao và cây cổ thụ, dưới ánh sáng lung linh huyền ảo của những ngọn nến.  Đây đã là lần thứ 2 vườn Cơ Hạ trong Đại nội Huế được chọn làm sân khấu dành riêng cho đêm nhạc Trịnh Công Sơn. Hàng nghìn người, trong đó rất nhiều khán giả tóc muối tiêu đã lặng lẽ nghe đến bài cuối cùng.

Một trong những điểm nhấn của Festival Huế 2012 là chương trình Đêm phương Đông. Trong không gian lộng lẫy của Đại nội cổ kính lung linh ánh nến, lồng đèn, những bộ trang phục truyền thống 9 nước châu Á gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines và Việt Nam lần lượt được trình diễn bởi đội ngũ người mẫu, diễn viên chuyên nghiệp đến từ các nước.
 
“Nhịp thở sông Hương” là một chương trình nghệ thuật dài 90 phút xuyên suốt các hoạt động văn hóa của các quốc gia thuộc năm châu lục trong 9 ngày vừa qua cũng là chương trình giã bạn của lễ hội Festival Huế 2012 với những tiết mục ca múa nhạc đậm màu sắc văn hóa đến từ nhiều nước trên thế giới.

Festival Huế 2012 đã khép lại với sự hài lòng của khách phương xa đến Huế bởi những chương trình nghệ thuật ấn tượng, bởi sự an ninh tuyệt đối và lòng hiếu khách của người Huế.   

Xuân Hồng


Ý kiến của bạn