Để đảm bảo hiệu quả cao nhất, giảm thiểu tối đa phản ứng phụ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa giải đáp một số thắc mắc cần biết khi sử dụng thuốc chữa bệnh, kể cả thuốc kê đơn lẫn không kê đơn.
1. Có phải kiêng một số thực phẩm nhất định khi uống thuốc?
Có một số tương tác thực - dược phẩm khi dùng một số thuốc chữa bệnh. Ví dụ, sữa có thể gây trở ngại cho một số thuốc kháng sinh, hoặc tránh ăn chuối và thực phẩm giàu kali khi đang dùng thuốc trị cao huyết áp hoặc thuốc lợi tiểu để hạn chế dư thừa chất lỏng. Việc dùng thực phẩm giàu kali có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đánh trống ngực do chúng làm tăng lượng kali trong cơ thể. Các tương tác nan y khác như nước ép bưởi với statins hoặc dùng quá nhiều vitamin K hay cà chua khi uống thuốc làm loãng máu, như warfarin là điều cần tránh.
2. Có thể uống một ly rượu khi đang uống thuốc?
Uống rượu khi không dùng thuốc vẫn có thể diễn ra một số thay đổi như buồn ngủ, háu ăn, tăng đường huyết... Vì vậy, khi đang dùng thuốc nếu uống rượu thì vấn đề càng thêm nan giải, rượu sẽ làm tăng phản ứng phụ với một số loại thuốc nhất định. Ví dụ, buồn ngủ nếu uống rượu và dùng các loại thuốc dị ứng. Tyramine, một thành phần có trong đồ uống có cồn do quá trình lên men tạo ra, có thể làm tăng huyết áp đột ngột, không an toàn nếu đang dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống loạn thần, thuốc chống nấm và thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) hay gây chuột rút dạ dày, nôn, đỏ bừng mặt và nhức đầu nếu đang dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm.
3. Mất bao thời gian để thuốc phát huy tác dụng?
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và chất lượng thuốc, một số loại thuốc có thể đi vào hệ thống tiêu hóa, ngấm vào máu nhưng cũng có người thuốc lại đi qua gan trước. Thông lệ, thuốc thường đi vào máu không muộn hơn 8 giờ sau khi uống, nhưng trong một số trường hợp, nó lại đạt đỉnh điểm sau 30 phút. Nếu dùng thuốc rã theo thời gian, tức được thiết kế để tan chậm và cung cấp cho cơ thể một liều lượng ổn định trong suốt cả ngày thì hiệu ứng của thuốc sẽ diễn ra trong vòng 6 - 8 giờ đầu, sau đó có thể kéo dài tùy theo sức khỏe người dùng.
4. Có thể nghiền thuốc cho dễ nuốt?
Không chỉ có trẻ nhỏ ngại nuốt thuốc viên, mà một số người lớn cũng thấy khó chịu khi uống loại thuốc này. Trong hầu hết các trường hợp, người dùng có thể nghiền thuốc và trộn với táo hoặc bánh pudding, nhưng theo FDA thì không nên, bởi có những loại thuốc được thiết kế hòa tan chậm hoặc có lớp vỏ bọc để dễ uống nhằm hạn chế nguy cơ quá liều hoặc gây kích thích lớp lót dạ dày, vì vậy tốt nhất hãy uống theo khuyến cáo của chuyên môn, dùng nước lọc để uống, không nên uống thuốc mà không có nước.
5. Có nhất thiết phải uống đủ liều, đủ thời gian?
Theo Trung tâm y khoa Mercy Medical, Mỹ, điều này phụ thuộc vào tình trạng bệnh tật đang mắc phải. Nếu dùng thuốc giảm đau và cơn đau biến mất, thì có thể ngừng thuốc, trừ khi nó dùng duy nhất để kiểm soát cơn đau. Tuy nhiên, nếu đang dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, phải uống đủ liều, đủ thời gian. Sở dĩ phải làm như vậy là do vẫn còn vi khuẩn sót lại tồn tại mặc dù kháng sinh đã triệt tiêu gần hết. Một khi ngừng thuốc nó sẽ tiếp tục sinh sôi, phát sinh tình trạng khuẩn kháng kháng sinh, lần sau dùng thuốc sẽ giảm tác dụng.
6. Thuốc bổ, thảo dược có gây tương tác với thuốc tây dược?
Các loại thảo mộc, thực phẩm dưỡng sinh, thuốc bổ đều được con người dùng hàng trăm năm nay để ngăn ngừa và trị bệnh, nhưng cũng có một số sản phẩm tự nhiên nếu dùng kết hợp với thuốc theo toa có thể gây nguy hiểm cho con người. Ví dụ, một số vitamin và thảo mộc có thể tương tác với một số loại thuốc tây dược, làm thay đổi quá trình hoạt hóa của thuốc hoặc có thể gây ra những phản ứng phụ nguy hiểm. Vì vậy, khi dùng hai nhóm sản phẩm này nên tư vấn kỹ bác sĩ trước khi dùng, nếu gặp sự cố cần can thiệp ngay, nhất là trong bối cảnh dược thảo kém chất lượng, hàng giả tràn lan như hiện nay.
7. Có nên dùng probiotic trong khi đang dùng kháng sinh?
Khi sử dụng kháng sinh, nên dùng liều probiotic cao hơn bởi kháng sinh là kẻ thù của một số loại khuẩn thân thiện. Tốt nhất là dùng probiotic cách xa thời điểm dùng kháng sinh để hạn chế vi khuẩn thân thiện trong probiotic bị triệt tiêu bởi đây là quá trình khó tránh. Theo khuyến cáo, nên duy trì ít nhất 200 - 400 tỉ đơn vị CFU (đơn vị khuẩn lạc trong 1ml mẫu) vài tuần sau khi dùng kháng sinh. Nếu duy trì ở mức này sẽ rất an toàn và hầu như không bao giờ gây ra sự cố nào cho sức khoẻ. Probiotic có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như sữa chua hay các loại men vi sinh.
8. Uống thuốc 2 lần/ngày nghĩa là thế nào?
Ngay cả trong bệnh viện, uống thuốc 2 lần ngày, có nghĩa, cứ 12 giờ uống một lần, vào buổi sáng và khi đi ngủ. Nếu 3 lần một ngày tương đương với buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Tuy nhiên, đây chỉ là một hướng dẫn chung, còn tùy theo từng loại thuốc, người dùng có thể tư vấn bác sĩ để dùng cho chính xác nhằm phát huy tác dụng cao nhất, hạn chế tình trạng thuốc tồn tại quá lâu trong dòng máu.
9. Hiệu quả thuốc name brand và generic drug giống nhau?
Trước tiên cần phải hiểu sơ qua về hai thuật ngữ này, name brand hay brand-name drug có thể hiểu là thuốc gốc hay còn gọi là thuốc phát minh hay thuốc nhãn hiệu. Quá trình phát minh thuốc gốc vô cùng phức tạp, khó khăn, tốn kém nên chỉ những công ty tầm cỡ mới có đủ khả năng đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm và nhiều công việc khác nên chi phí cao, khi đến tay bệnh nhân, thuốc trở nên đắt đỏ đến mức nhiều người không có khả năng với tới. Trong thời hạn còn được bảo hộ, không một công ty nào khác được phép mua bán, điều chế, sản xuất thuốc chứa dược chất này nhằm mục đích thương mại, trừ trường hợp do LHQ quy định.
Generic drug là thuốc sau khi thuốc gốc hết hạn bảo hộ độc quyền, mọi công ty dược trên thế giới đều được quyền nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm chứa dược chất đã hết hạn bảo hộ. Các thuốc loại sản xuất theo phương pháp này được gọi chung là thuốc generic. Theo FDA các loại thuốc generic đều có nguyên lý hoạt hóa giống như thuốc nhãn hiệu. Có thể có sự khác biệt trong việc chế tạo như viên thuốc hay viên nang, nhưng phần lớn đều có hiệu quả như nhau nhưng nó lại phù hợp với túi tiền của đại đa số mọi người, tiết kiệm chi phí mà không ảnh hưởng đến hiệu quả chữa trị.