Fast food – ăn nhanh hại lâu

14-10-2015 10:38 | Dinh dưỡng
google news

Thức ăn nhanh (fast food) giúp bạn tiết kiệm thời
gian, đôi khi giúp thay đổi khẩu vị mang lại cảm giác ngon miệng. Nhưng nó cũng sẵn sàng giúp bạn “tăng tốc” đến
với nguy cơ có hại cho sức khỏe.

Nguy cơ béo phì: Sau vẻ cảm quan hấp dẫn, thức ăn nhanh tiềm ẩn những nguy cơ mất cân bằng dinh dưỡng, gây béo phì, và nhiều bệnh lý bởi chúng có năng lượng cao, nhiều đạm, ít vitamin, thiếu chất xơ, chất khoáng. Một đùi gà rô- ti hoặc một phần mì bít- tết cung cấp 800 calorie, trong đó chứa 80g chất béo; 3 cánh gà chiên giòn chứa 100g chất béo và tổng cung cấp 1000 calorie; một đĩa khoai tây chiên có tới 300 calorie; một khẩu phần ăn nhanh gồm hambuger kẹp thịt, 1 lon nước ngọt, 1 phần khoai tây chiên cung cấp tới 1.800 calorie (bằng lượng calorie cần cho người lao động nhẹ cả ngày).

Giảm khả năng tư duy: Một kết quả nghiên cứu tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho thấy học sinh thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh giảm tới 16% khả năng đọc và làm toán so với các em khác. Theo nhóm nghiên cứu, đường và chất béo trong đồ ăn nhanh là những yếu tố “tiêu cực” đối với tư duy của học sinh. Nhân viên phát ngôn của Mc Donald’s cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích trẻ em viếng thăm nhà hàng của chúng tôi quá thường xuyên”.

Hại thận, loãng xương: Một phần gà rán ăn nhanh có thể chứa 400 – 500g thịt, một khẩu phần hambuger chứa 200 – 300g thịt bò... Do vậy, chúng cung cấp lượng đạm vượt xa nhu cầu thực tế của cơ thể. Trong khi đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên ăn quá 30g đạm (trong đó chỉ 15g đạm động vật tương đương 120 – 150g thực phẩm động vật giàu đạm). Dư đạm làm tăng công năng hoạt động của thận có thể dẫn tới suy thận. Ăn nhiều đạm làm tăng việc thải calci gây nguy cơ sỏi thận và loãng xương. Thức ăn nhanh cũng luôn chứa hàm lượng muối cao hơn bình thường dễ gây loãng xương, tổn thương thận. Bên cạnh đó, thừa đạm còn gây tích tụ acid uric ở khớp tăng nguy cơ bệnh gout.

Ung thư đại tràng: Vì thức ăn nhanh chế biến ở nhiệt độ cao nên phân hủy các vitamin trong thịt. Bên cạnh đó, chúng lại ít thành phần thực phẩm, thiếu rau, củ quả nên thiếu xơ so với nhu cầu được khuyến nghị là 300g rau mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu cho thấy thiếu xơ và khoáng chất là đường dây thuận tiện “liên lạc” tới bệnh ung thư nhất là ung thư đại tràng.

Fast food – ăn nhanh hại lâu

Lời khuyên:

Lưu ý hàm lượng muối và chất bảo quản: Do các loại thực phẩm này được chế biến dạng nấu chín hoặc muối mặn để diệt trùng, tăng thời gian bảo quản và hạn chế nhiễm trùng. Nếu bạn bị cao huyết áp, suy tim, suy thận, phù… thì nên hạn chế dùng gói bột nêm trong các thực phẩm ăn liền như: cháo, phở, hủ tiếu… đồng thời hạn chế ăn đồ hộp, xúc xích, hột vịt muối... Dinh dưỡng hợp lý khuyến cáo chúng ta không nên ăn mặn, mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 10g muối (hai muỗng cà phê).

Đừng quên thức ăn tươi: Ăn thực phẩm tươi sống bao giờ cũng giàu chất dinh dưỡng và ngon lành hơn đồ hộp. Các hộp nước hoa quả đóng lon chỉ toàn là nước, đường, màu, mùi, vị, acid citric và chất bảo quản. Khi sử dụng thức ăn công nghiệp nếu có thể nên ăn thêm rau củ, trái cây tươi để bổ sung đủ vitamin và chất xơ.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên ăn thức ăn nhanh quá 2 lần/tháng. Trung bình bữa ăn gồm rau, củ quả, tinh bột, thịt cá cần khoảng 20 phút. Thức ăn nhanh khiến bạn mất 5 phút, cơ thể chưa kịp cảm giác no nên chúng ta luôn ăn nhiều hơn nhu cầu thực tế, thừa năng lượng mà thiếu vi khoáng. Thống kê mới nhất cho thấy 70% dân số Việt thích tới các tiệm ăn nhanh. Thống kê từ Bộ Công thương, doanh thu ước đạt của ngành ăn nhanh cả nước năm 2009 thu về 500 tỷ đồng, tăng 35 – 40% so với năm 2008.


Ý kiến của bạn