Hà Nội

Fan fiction: Văn chương tuổi teen sẽ đi về đâu?

30-05-2013 08:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Giữa lúc tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc đang giảm độ hot trên thị trường thì các nhà xuất bản (NXB) đã nhạy bén cho ra đời hàng loạt tác phẩm văn học thuộc thể loại Fan Fiction phục vụ cho số lượng đông đảo các teen mê trải nghiệm một loại hình văn chương mới ở Việt Nam.

Giữa lúc tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc đang giảm độ hot trên thị trường thì các nhà xuất bản (NXB) đã nhạy bén cho ra đời hàng loạt tác phẩm văn học thuộc thể loại Fan Fiction phục vụ cho số lượng đông đảo các teen mê trải nghiệm một loại hình văn chương mới ở Việt Nam.

Fan fiction là gì?

Khi các fan hâm mộ truyện tranh, manga hay phim truyện, video ca nhạc, show truyền hình... vẫn chưa thấy thỏa mãn với nội dung và thông điệp của các tác phẩm, chương trình mà mình yêu thích, họ có thể chấp bút viết lại nội dung của  chúng theo chủ quan cá nhân của mình rồi chia sẻ trên các diễn đàn online. Đó chính là Fan fiction    (Fan fic) - một trào lưu sáng tác “ăn theo” các tác phẩm nổi tiếng, xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1965 trước khi đổ bộ vào Việt Nam thời điểm những năm 2009.

Fan fiction: Văn chương tuổi teen sẽ đi về đâu? 1Một tác phẩm Fan fic.

Trước đây, trào lưu viết Fan fic phổ biến nhất chỉ là viết lại đoạn kết của một tác phẩm nào đó thì hiện nay, có vô số những tác phẩm Fan fic có mở và kết, được viết trau chuốt, xuất hiện nhan nhản trên các diễn đàn Fan fic lớn, đó là vnfiction.com, viettruyen.vn và có hẳn box fanfic trên những diễn đàn như vnsharing.net, dienanh.net...

Chỉ vừa mới xuất hiện một thời gian ngắn, số lượng các tác phẩm Fan fic đã lên tới một con số đáng nể. Chất lượng của chúng cũng cuốn hút không kém gì các thể loại văn học khác đang tồn tại trên mạng.

Và đỉnh cao của sự thành công này là việc các NXB, vốn đang trong cơn bĩ cực của việc khai thác đề tài, đã nhanh tay biến những tác phẩm Fan fic có lượng view khủng trên mạng thành những cuốn sách xinh xắn trên kệ của những nhà sách lớn. Có thể kể đến một loạt tác phẩm của tác giả Chi Chan do NXB Văn học ấn hành như: Những thiên thần bóng tối, Bắt được rồi vợ ngốc, Trường học vampire, Có lẽ em sẽ phải từ bỏ thôi, rồi Lọ Lem đường phố (hay Trò chơi của người quá cố - tác giả Quái Vương, NXB Bắc Hà)... Được biết, mỗi lần xuất bản, con số phát hành có thể lên tới 10.000 bản, trong đó tác giả được hưởng 8 - 10% giá bìa mỗi cuốn sách.

 Những thảm họa Fan fic được “tiếp tay”...

Có lẽ ngày nay, công tác PR tại các NXB chuyên nghiệp hơn nhiều so với công tác biên tập. Vì thế mà có những cuốn sách với cái tên và trình bày bìa đầy cuốn hút, cộng với những lời PR hoa mĩ trên các phương tiện truyền thông... nhưng khi tiếp cận nội dung thì độc giả hoàn toàn thất vọng, thậm chí có cảm giác tức giận như mình đang bị cuốn vào một trò đùa ác ý. Đỉnh điểm của cơn giận dữ này là việc cư dân mạng tưng bừng đem Thiên thần bóng tối ra ném đá.

Rồi những tên sách hết sức ngây ngô như Hoàng tử lạnh lùng và cô nhóc lanh chanh, Biệt thự hoàng tử... Đặc điểm chung của những cuốn sách này là đều tràn ngập những tình tiết phi lý nhưng được quảng bá dưới lời giới thiệu hấp dẫn: Một thế giới không có thật, một thế giới nơi bạn có thể khám phá chính bản năng mình...

Fan fic sẽ đi về đâu?

Phải chăng teen Việt sẽ là thế hệ mở đường cho trào lưu văn học hậu hiện đại của Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy khu vực và thế giới, khi mà người ta thấy thấp thoáng yếu tố kỳ ảo, ma thuật, sex, bạo hành... của Murakami và văn học hiện đại Nhật Bản trong các tác phẩm Fan fic?

Chắc chắn là không, bởi teen viết truyện mà như viết nhật ký cá nhân, quốc ngữ không thông thạo, hành văn rối rắm, cốt truyện lệch lạc, bối cảnh hết sức xa lạ, huyền bí so với đời sống thật. Đặc biệt là những chi tiết phi lý đến mức không thể chấp nhận, và nguy hiểm hơn, nếu tiếp nhận thường xuyên những thảm họa văn học thế này, giới trẻ sẽ có suy nghĩ lệch lạc cũng như chìm đắm trong một thế giới không có thực. Một bà mẹ trên webtretho.com lo ngại: “Cái tai hại của nó là chẳng biết mấy đứa nhóc mà đọc được thì tụi nó sẽ suy nghĩ lệch lạc cỡ nào. Mình thật là may mắn vì ngày xưa, bà, mẹ chịu khó mua về cho nào là Truyện cổ Grimm, Andersen để mà đọc, lớn tí nữa, biết lãng mạn rồi thì cũng có Đồi gió hú, Jane Eyre... để tâm hồn phát triển một cách lành mạnh”.

Mặc kệ bút lực non trẻ, văn chương và ngắt câu chuệch choạc, cốt truyện không đổi mới…, các NXB vẫn liên tiếp cho ra đời những bìa sách Fan fic với lời giới thiệu đầy hấp dẫn. Phàm những gì là trào lưu thì đều nhanh lên, nhanh xuống, nhất lại là trào lưu teen. Vì thế, trên các diễn đàn Fan fic, bên cạnh sự háo hức của những thành viên mới, vẫn có sự trăn trở của những cựu thành viên. Họ tâm sự rằng, họ đã qua cái tuổi thích thể hiện, giờ đọc lại Fan fic thấy xa lạ nhiều quá và chính họ không mệt mỏi kêu gọi mọi nỗ lực đổi mới và làm trong sáng Fan fic.

Thực tế cũng cho thấy hiếm có cây bút nào cho ra đời một loạt tác phẩm tiếp theo sau sự thành công của tác phẩm đầu tiên. Vì thế, Fan fic chỉ nên coi là một trào lưu nhất thời của một thế hệ giao thời giữa trẻ con và người lớn. Nó chỉ nên là một sân chơi online để các bạn teen thư giãn, giải trí chứ đừng nên đưa nó ra các kệ sách để rồi trở thành những thảm họa văn học không đáng có.

Mỹ Nguyễn



Ý kiến của bạn