Facebook dính scandal lịch sử

22-03-2018 08:23 | Quốc tế
google news

SKĐS -Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất khi để lộ thông tin của 50 triệu người dùng cho một đối tác hoạt động trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ D.Trump, những thông tin này đã được sử dụng để tác động tới cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh.

Những bê bối về rò rỉ thông tin chỉ bị phát hiện khi một cựu nhân viên của Công ty Cambridge Analystica tố cáo công ty này lấy thông tin cá nhân của 50 triệu người sử dụng Facebook, từ đó xây dựng những hồ sơ cá nhân, sau đó chạy những quảng cáo mang tính chính trị mà những quảng cáo này sẽ tác động trực tiếp  đến quyết định của cử tri. Theo điều tra của 2 tờ báo đầu tiên đăng tải scandal rò rỉ thông tin là New York Times và The Guardian,  hành động phi pháp này được sử dụng nhằm chi phối kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu EU (Brexit).

Lần đầu tiên, ông chủ của Facebook Mark Zuckerberg đã lên tiếng về những bê bối của Facebook những ngày qua. Ông cho biết lấy làm tiếc vì dữ liệu người dùng bị lợi dụng và ông sẵn sàng ra trước Quốc hội Mỹ để trả lời các câu hỏi về vấn đề này.

Mạng xã hội thu thập thông tin thế nào?

Việc thu thập thông tin trên Facebook đã được nói đến khá nhiều, người ta đã đưa ra một mô hình cho thấy mạng xã hội ảo này có khả năng “hiểu” một cá nhân chỉ đứng ngay sau chính bản thân họ thông qua các nút like. Không phải ngẫu nhiên, những quảng cáo bạn thấy xuất hiện trên newfeed của mình  giống như những gì mà bạn hay đọc, like, xem hay  tương tác.

Kẽ hở bảo mật thông tin trên các mạng xã hội khiến người dùng đang bị lợi dụng

Thông tin đó là do Facebook thu thập được qua việc bạn đăng ký tên, tuổi, số điện thoại, email, bạn đã vô tình cung cấp cho Facebook thông tin cá nhân, kể cả  loại thiết bị bạn đang dùng, từng đến đâu, thích gì, thậm chí cả tính cách của người dùng hướng nội hay hướng ngoại, từ đó họ xây dựng lên dữ liệu cá nhân của một người. Bằng các thuật toán chính xác, họ dự đoán xu hướng chính trị của người đó, nguy hiểm là những thông tin này được sử dụng để tác động vào hành vi của cử tri. Công ty tư vấn sẽ chạy các quảng cáo tác động đến tâm lý cử tri, tư vấn chính xác vấn đề mà cử tri của một khu vực quan tâm để từ đó đưa ra lời khuyên cho các ứng viên Tổng thống cách tiếp cận cử tri trong từng bài phát biểu, nội dung phỏng vấn hay các hoạt động cần thiết lôi kéo được cử tri… từ đó giúp thay đổi kết quả bầu cử.

Theo điều tra vụ việc, Công ty Cambridge Analytica chỉ mất 1 triệu USD để thu thập dữ liệu của 50 triệu tài khoản facebook từ một nhà nghiên cứu, đáng nói là công ty này được ê kíp tranh cử của Tổng thống Mỹ D.Trump thuê năm 2016. Mặc dù trước đó Facebook đã yêu cầu Cambrigde Analytica xóa những dữ liệu này nhưng theo các bằng chứng được truyền thông đưa ra những dữ liệu này vẫn chưa bị hủy hoàn toàn. Cambridge Analytica cho rằng họ thu thập một cách hợp pháp, chỉ xóa những dữ liệu mà Facebook cho là nhạy cảm mà thôi.

Facebook lao đao trước mũi dùi từ chính phủ Anh, Mỹ

Chỉ sau vài ngày truyền thông đưa tin, cổ phiếu của Facebook đã giảm hơn 10%, và bản thân công ty bị các cơ quan chức năng của Anh, Mỹ và châu Âu điều tra.  Mới đây nhất, các nghị sĩ Mỹ như Thượng nghị sĩ Dân chủ Amy Klobuchar và Thượng nghị sĩ John Kennedy yêu cầu lãnh đạo Facebook phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Anh  cũng bắt tay ngay điều tra Facebook về việc đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Tại châu Âu, các quan chức châu lục này yêu cầu điều tra về việc các mạng xã hội đã giám sát và sử dụng thông tin khách hàng vào mục đích chính trị thế nào, trước mắt Facebook sẽ xử lý những bê bối này ra sao….

Bên cạnh việc phải đối mặt với vấn đề pháp lý, ngay bản thân mạng xã hội này đang hứng chịu một làn sóng tẩy chay, khi người dùng trên twitter kêu gọi nhau xóa tài khoản facebook, bởi nếu không muốn lộ thông tin, cách duy nhất là không sử dụng mạng xã hội này. Đây không phải là sự cố đầu tiên Facebook gặp phải, bởi trước đó mạng xã hội này cũng dính hàng loạt sự cố như tin tức giả mạo, đăng tuyên truyền khủng bố, video ấu dâm…. tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này là rất lớn và liên quan nhiều tới vấn đề nhạy cảm là bảo mật thông tin cá nhân.

Một thế giới phẳng hơn, kết nối với nhau nhiều hơn là điều mà trước đây người ta mong muốn đạt được. Nhưng dường như nó đang lộ ra nhiều khiếm khuyết, khiến người dùng lo ngại, với các Chính phủ, chắc chắn rằng sau vụ bê bối này, sẽ có thêm những quy định mới về chính sách nhằm bảo mật thông tin trên mạng xã hội.


Hải Yến
Ý kiến của bạn