F0 tăng cực cao, Hà Nội dùng chưa đến 50% giường bệnh tầng 2, 3

01-03-2022 17:33 |

SKĐS - Hà Nội hiện có hơn 98% F0 điều trị tại nhà, tỷ lệ nhập viện rất thấp, nhưng khi ca nhiễm tăng vọt hàng ngày, hiện tại số ca nặng, nguy kịch cũng đang tăng. TP đã chuẩn bị hơn 2.100 giường bệnh tầng 2-3, mới dùng chưa tới 1.000.

F0 tăng mạnh, ca nhập viện tăng

Báo cáo ngày 27/2, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, từ ngày 23- 26/2, trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 37.000 ca mắc COVID-19, trung bình ghi nhận 9.226 ca bệnh/ngày, tăng nhiều so với kỳ báo cáo trước (trung bình 5.128 ca bệnh/ngày). Chỉ sau đó, trong hai ngày 27-28/2, Hà Nội ghi nhận tới gần 12.000-13.000 ca/ngày. Dự kiến số ca mắc sẽ tăng tiếp tục trong những ngày tới.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tới hết ngày 28/2, cả nước có hơn 1,16 triệu F0 đang điều trị tại nhà, riêng Hà Nội có gần 550.000 ca (chiếm 47,4% tổng cả nước và hơn 98% tổng số F0 đang điều trị ở Hà Nội).

Ngoài hơn 900 ca điều trị tại các khu cách ly ở Hà Nội, hơn 6.300 ca khác phải nhập viện điều trị tại các bệnh viện tầng 2, 3. Trong số đó, có hơn 1.100 ca có triệu chứng nhẹ.

F0 tăng cực cao, Hà Nội dùng chưa đến 50% giường bệnh tầng 2, 3 - Ảnh 2.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: TL

F0 tăng nhanh, số ca trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện, can thiệp các biện pháp hỗ trợ cũng tăng lên. Hơn 4.100 ca triệu chứng trung bình (tăng hơn 16% so với trung bình 7 ngày trước). Số còn lại 1.018 ca nặng/nguy kịch (tăng gần 13%), trong đó có hơn 360 ca điều trị ở hai bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Đại học Y Hà Nội.

Hiện tại các bệnh viện ở Hà Nội (Trung ương và Hà Nội) có 49 ca COVID-19 phải lọc máu, 47 ca thở máy, 48 ca thở máy không xâm lấn...

Chuẩn bị hơn 2.100 giường tầng 2-3, chỉ mới dùng gần 1.000 giường

Hơn 98% F0 điều trị tại nhà và tầng 1, tỷ lệ bệnh nhân phải vào bệnh viện rất thấp, nhưng khi ca mắc tăng, con số tuyệt đối cũng sẽ tăng. Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, hiện chiến lược của Hà Nội tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng theo từng tầng, giảm tỷ lệ tử vong.

Theo bà Nhị Hà, để tránh việc quá tải, các khu điều trị thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị.

Cụ thể, đối với bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như trước đây. Lãnh đạo ngành Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải trong điều trị cho bệnh nhân. Trong tình huống ca nhiễm tăng gấp đôi, TP vẫn đảm đương được.

Thực tế, Hà Nội đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện. TP cũng làm việc với một số bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân.

Bà Hà cho hay Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của Trung ương, trực thuộc bộ, ngành để điều trị cho F0.

Đến nay, TP Hà Nội đã chuẩn bị được 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2, 3, nhưng mới sử dụng khoảng 1.000 giường, tức là chưa đến 50% công suất.

Bà Hà cũng cho biết kể cả đối với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, theo tính toán khả năng thu dung, điều trị, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được.

Để phát hiện sớm các ca bệnh nặng, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tối đa ca bệnh nặng và nguy kịch, ngành y tế thành phố đã lập, rà soát và quản lý chặt chẽ danh sách người hoặc hộ gia đình có người trong nhóm nguy cơ cao, dễ tổn thương như người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền (như cao huyết áp, suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch, ung thư...), chưa được tiêm vaccine.

Trên cơ sở danh sách này, ngành y tế tập trung ưu tiên tiêm chủng, đặc biệt là các mũi tiêm bổ sung. Đây cũng là nhóm cần xét nghiệm sàng lọc định kỳ (2-3 ngày/lần) để phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh chuyển biến nặng, theo bà Hà.

Giảm tải y tế cơ sở

Để giảm tải cho y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết TP đã chỉ đạo các cáp ủy đảng, chính quyền phối hợp ngành Y tế huy động nhân lực hỗ trợ y tế cơ sở, từ lực lượng đoàn thanh niên, hội phụ nữ, y tế ngoài công lập, y bác sĩ nghỉ hưu. Các học sinh, sinh viên trường Y cũng được huy động.

Ngành đã tập huấn, phổ biến cho các quận/huyện trong công nghệ thông tin để xác nhận gián tiếp qua bất kỳ hình thức điện tử (như Zalo). Người dân có thể được xác nhận dương tính, khỏi bệnh, hoàn thành thời gian cách ly, sẽ được gửi bản cứng về các nội dung trên qua tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng, ban quản lý các tòa nhà dân cư..., theo bà Nhị Hà.

Trong Thông báo số 72/TB-VP kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, tại phiên họp giao ban ngày 27/2, lãnh đạo UBND TP yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp với các quận, huyện, thị xã phối hợp các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn thống nhất triển khai để bảo đảm dành 50% số giường điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên địa bàn trong tình huống số ca nhiễm tiếp tục tăng cao.
Hà Nội vọt đỉnh lên 12.850 ca mới, hơn 1.000 ca nặng, nguy kịch đang điều trị  Hà Nội vọt đỉnh lên 12.850 ca mới, hơn 1.000 ca nặng, nguy kịch đang điều trị

SKĐS - Trong 12.850 ca COVID-19 mới phát hiện ngày 28/2 ở Hà Nội có gần 4.300 ca cộng đồng. Có hơn 6.200 ca đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có hơn 1.000 ca nặng, nguy kịch.


Quỳnh An
Ý kiến của bạn