F0 sẽ gặp phải những bất lợi này khi tự điều trị bằng kháng sinh tại nhà

05-04-2022 17:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hiện nay, nhiều ca F0 điều trị tại nhà tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Việc dùng thuốc như vậy là chưa đúng và có thể gây nhiều hệ lụy khôn lường...

Lạm dụng kháng sinh: Mắc bệnh thông thường cũng dễ nguyLạm dụng kháng sinh: Mắc bệnh thông thường cũng dễ nguy

SKĐS - Hiện tại, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 ca tử vong do kháng thuốc. Với tình hình này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc.

Bất chấp thực tế là kháng sinh không có tác dụng gì chống lại virus, nhiều F0 với tâm lý hoang mang, lo lắng vẫn tự ý sử dụng kháng sinh theo những "đơn thuốc điều trị COVID-19" được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội hay theo tư vấn của các nhà thuốc.

Cần nhớ rằng, kháng sinh nằm trong danh mục thuốc kê đơn, cần có ý kiến tư vấn, chỉ định của bác sĩ, việc người dân tự ý mua về uống là sai quy định và không có lợi cho sức khỏe. Nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng kháng sinh có thể gây tình trạng kháng kháng sinh, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế hiện nay.

photo-1649130702647

Không sử dụng liệu pháp kháng sinh hoặc điều trị dự phòng cho những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình…

Trên thực tế, có 3 loại kháng sinh đang bị lạm dụng điều trị cho F0 tại nhà, với liều lượng có thể cao hơn so với khuyến cáo gồm:

- Nhóm Beta-lactam như amoxicillin/clavulanic, cefuroxime, cefixime…

- Nhóm Macrolide như azithromycin, erythromycin, clarithromycin...

-Nhóm Quinolone chẳng hạn như levofloxacin, ciprofloxacin…

Việc sử dụng kháng sinh như con dao hai lưỡi, một mặt nó giúp điều trị tình trạng bệnh hiệu quả, mặt khác, khi sử dụng không đúng, nó có thể gây ra những tác dụng không mong muốn cho người dùng.

Các bất lợi có thể xảy ra khi dùng kháng sinh:

2.1.Tiêu chảy, đau bụng

Khi sử dụng 1 hay nhiều kháng sinh phổ rộng với liều cao, kéo dài, ngoài việc tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh thì cũng diệt luôn cả vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) ở đường ruột, làm phá vỡ thế cân bằng gây hiện tượng loạn khuẩn, do đó thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn tiềm ẩn khả năng gây bệnh tại đường tiêu hóa, chủ yếu là tiêu chảy hay viêm ruột.

2.2. Dị ứng

Một số loại kháng sinh (đặc biệt là nhóm beta-lactam) dễ gây ra phản ứng dị ứng, nhẹ chỉ gây ban sẩn trên da, ngứa, nổi mày đay, buồn nôn; nặng có thể gây tổn thương gan, tắc mật (ví dụ như amoxicillin/acid clavulanic), huyết tán, thiếu huyết sắc tố hemoglobin…

2.3. Ảnh hưởng đến phát triển ở trẻ

Các kháng sinh nhóm quinolone còn ảnh hưởng đến sự phát triển gân-cơ-xương của trẻ em dưới 12 tuổi.

2.4. Kháng kháng sinh

Nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng kháng sinh còn dẫn đến kháng thuốc, làm nặng thêm tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, tăng chi phí điều trị. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho rằng, việc lạm dụng kháng sinh đã khiến vi khuẩn có những cơ chế biến đổi, phát triển để "tránh" tác dụng của thuốc kháng sinh, khiến loại thuốc quan trọng này dần mất tác dụng trong điều trị, dù tăng liều dùng. Theo các chuyên gia y tế, trước đây, tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đã đáng báo động, trong bối cảnh đại dịch, vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), thuốc kháng sinh chỉ cần thiết trong điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, song ngay cả một số bệnh nhiễm trùng cũng tự thuyên giảm mà không cần dùng thuốc kháng sinh.

Đối với COVID-19 là bệnh đường hô hấp cấp tính truyền nhiễm gây ra bởi SARS-CoV-2, việc sử dụng kháng sinh là không có tác dụng gì trên virus. Thay vào đó, nguyên tắc chung để điều trị các bệnh do virus gây ra chính là tập trung điều trị triệu chứng bệnh, nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch của bệnh nhân, đồng thời, phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp biến chứng nhằm giảm tỷ lệ tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay từ năm 2020 cũng đã đưa ra khuyến cáo không sử dụng liệu pháp kháng sinh hoặc điều trị dự phòng cho những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình nếu bệnh nhân không nhiễm vi khuẩn trên lâm sàng.

3. Sử dụng kháng sinh ở bệnh nhân COVID-19 khi nào?

Theo phác đồ điều trị mới nhất của Bộ Y tế, bệnh nhân COVID-19 chỉ sử dụng kháng sinh khi bị bội nhiễm vi khuẩn (tức là bên cạnh nhiễm virus SARS-CoV-2 còn nhiễm thêm các loại vi khuẩn khác). Đối với bệnh nhân ở mức độ nhẹ và trung bình sẽ không sử dụng kháng sinh hoặc kháng nấm nếu không có bằng chứng nhiễm trùng. Bệnh nhân ở mức độ trung bình, chỉ sử dụng khi nghi ngờ có bằng chứng nhiễm trùng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, không sử dụng liệu pháp kháng sinh hoặc điều trị dự phòng cho những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình nếu bệnh nhân không nhiễm vi khuẩn trên lâm sàng.

Bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ: Triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy… Ngoài ra, bệnh nhân có nhịp thở < 20 lần/phút và SpO2 > 96% khi thở khí trời; tỉnh táo, người bệnh tự phục vụ được.

Bệnh nhân ở mức độ trung bình: Triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ; hô hấp có dấu hiệu viêm phổi với khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. Người bệnh có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang); tuần hoàn mạch nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường; ý thức tỉnh táo.

Bằng chứng nhiễm trùng được thể hiện qua kết quả các xét nghiệm như công thức máu, bilan viêm (CRP, procalcitonin, PCT), chẩn đoán hình ảnh (X-quang), kháng sinh đồ... tức là phải nhập viện và có đánh giá của nhân viên y tế. Do đó, với những người mắc COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, nhóm tuổi từ ≥ 3 tháng đến ≤ 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, không mang thai hoặc đã tiêm đủ liều vaccine thì việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, nếu có biểu hiện ho, đau họng, F0 không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ mà có thể sử dụng siro thảo dược giảm ho, uống mật ong… Với trường hợp ho khan kéo dài gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến giấc ngủ, có thể sử dụng thuốc hoặc siro chứa alimemazine hoặc diphenhydramine có tác dụng giảm ho, chống dị ứng, an thần. Nếu bệnh diễn biến nặng, người mắc COVID-19 cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ: Đi khám hay tự chữa?

DS. Phạm Thị Quỳnh Như
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn