F0 khỏi COVID-19 có nhiều nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2

27-03-2022 06:28 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo giới khoa học Mỹ, F0 khỏi COVID-19 có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 sau khi hồi phục.

Dấu hiệu cảnh báo tiểu đường tuýp 2Dấu hiệu cảnh báo tiểu đường tuýp 2

SKĐS - Thừa cân, tiểu nhiều, nhìn mờ, giảm cân không rõ nguyên nhân…là những dấu hiệu cảnh báo tiểu đường tuýp 2.

Một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Lancet Diabetes & Endocrinology, do các tác giả tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA Saint Louis (Mỹ) thực hiện cho biết, F0 mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 (đái tháo đường tuýp 2) trong vòng một năm cao hơn những người không nhiễm coronavirus SARS-CoV-2.

1. Vì sao F0 khỏi COVID-19 có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2?

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học xem xét dữ liệu bệnh nhân từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 1/3/2020 đến 30/9/2021.

F0 khỏi COVID-19 có nhiều nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 - Ảnh 2.

Các nhà khoa học phát hiện nhiều F0 khỏi COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Ảnh: Scientist

Họ so sánh hơn 181.000 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus SARS-CoV-2 và 4,1 triệu người khác trong cùng khoảng thời gian.

Dữ liệu cũng được so sánh với 4,28 triệu bệnh nhân được điều trị tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA Saint Louis trong năm 2018, 2019. Nhóm nghiên cứu phát hiện F0 khỏi COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 40%.

Điều này có nghĩa cứ 100 F0 sẽ có một người tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường sau khi nhiễm coronavirus SARS-CoV-2, tỷ lệ tương đương 1%.

“COVID không chỉ có những tác động cấp tính. Nó để lại cho nhiều người hậu quả sức khỏe lâu dài, người bệnh sẽ phải đối phó suốt đời”, Zing dẫn lời TS Ziyad Al-Aly - Trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển của Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA Saint Louis, tác giả chính của nghiên cứu.

TS Ziyad Al-Aly cho biết thêm, ban đầu nhóm nghiên cứu cho rằng nguy cơ sẽ chỉ gia tăng ở những người có yếu tố dễ mắc tiểu đường như béo phì nhưng kết quả ở tất cả nhóm. "Điều này thấy rõ nhất khi so sánh ở người da màu và người da trắng; người trẻ và lớn tuổi, nam và nữ. Đặc biệt, nó rõ ràng ngay cả ở những người không có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường”, ông Al-Aly cho hay.

Theo vị chuyên gia này, một số giả thuyết về cách làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường của coronavirus SARS-CoV-2. Virus thúc đẩy tình trạng viêm, giảm độ nhạy và tiết insulin. Nguyên nhân khác có thể là coronavirus SARS-CoV-2 gây ra những xáo trộn trong thành phần và chức năng của hệ vi sinh vật, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Vào tháng 2, một nghiên cứu do PGS Jason Block (Trường Y Harvard, tác giả chính) được công bố trên tạp chí JAMA Network Open cũng chỉ rõ, F0 sau khỏi COVID-19 sau 1-5 tháng cũng có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Khoảng 7% người lớn nhập viện vì COVID-19 được chẩn đoán tiểu đường trong vòng 5 tháng, cao hơn so với con số 3,6% ở người khỏe mạnh.

Tác giả cho biết nhiều người không tới gặp bác sĩ khi dịch căng thẳng và họ có thể mắc tiểu đường mà không hay biết. Ngoài ra, steroid - loại thuốc thường được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng - có thể làm tăng lượng đường trong máu tạm thời, gây ra bệnh lý này.

Tiểu đường tuýp 2 là dạng bệnh tiểu đường phổ biến ở F0 sau khi khỏi COVID-19. Bệnh xảy ra khi tế bào kháng lại insulin – hormone điều chỉnh lượng đường trong máu. Do kháng insulin, tuyến tụy phải tạo ra nhiều chất hơn để bắt các tế bào đáp ứng và điều này dẫn đến lượng đường trong máu cao. Tiểu đường tuýp 2 có thể liên quan chế độ ăn uống, tập thể dục.

F0 khỏi COVID-19 có nhiều nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 - Ảnh 5.

Cần làm các xét nghiệm để phát hiện ra bệnh tiểu đường tuýp 2.

2. Bệnh tiểu đường đường tuýp 2 là gì?

Tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, trong đó cơ thể không sử dụng được glucose do thiếu hụt sản xuất insulin hoặc không sử dụng được insulin hoặc cả hai. Bình thường cơ thể lấy năng lượng từ các thành phần glucose, lipid, protein. Trong đó glucose cung cấp nguồn năng lượng chính cho các tế bào, cho não, cơ…hoạt động. Nhưng muốn sử dụng được glucose thì cần phải có insulin. Insulin là một hormone do tuyến tụy nội tiết sản xuất ra. Insulin giúp cho đường (glucose) từ máu di chuyển vào tế bào, từ đó chuyển hóa và tạo ra năng lượng

Tiểu đường gồm hai thể chính là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Tiểu đường tuýp 2 (hay từng được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn) là bệnh mà có sự đề kháng insulin, có nghĩa là cơ thể sử dụng rất kém insulin (mặc dù insulin vẫn tiết ra). Phản ứng tự nhiên của cơ thể là sẽ càng tăng tiết insulin trong giai đoạn đầu, đến một lúc nào đó tế bào beta đảo tụy suy giảm chức năng, không thể tiết insulin đầy đủ, lúc đó cần phải cung cấp insulin ngoại sinh cho cơ thể. Trước đây tiểu đường tuýp 2 được gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin, nhưng hiện nay nó không còn thực sự đúng nữa. Vì như đã trình bày, đến một thời điểm vẫn phải cung cấp insulin ngoại sinh cho cơ thể.

Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 gây ra do các tế bào mỡ, gan và cơ không phản ứng phù hợp với insulin. Tình trạng này gọi là kháng insulin. Kết quả là glucose không thể vào trong tế bào để giúp cơ thể dự trữ năng lượng và dẫn đến lượng glucose trong máu quá cao gây ra hiện tượng tăng đường huyết. Ngoài ra, việc tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin cũng là một nguyên nhân dẫn đến tiểu đường tuýp 2.

Những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng insulin bao gồm:

  • Thừa cân hoặc béo phì: Lượng chất béo và calo quá nhiều có thể khiến cơ thể bạn khó sử dụng insulin đúng cách.
  • Di truyền: Cũng như bệnh tiểu đường tuýp 1, tiền sử gia đình và gene cũng đóng vai trò gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường.
  • Đã từng bị đái tháo đường thai kỳ.
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh.
  • Ít hoạt động thể chất.
  • Tuổi tác cao.
  • Huyết áp cao.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Rối loạn dung nạp glucose: Tình trạng đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa phải là bệnh đái tháo đường.
F0 khỏi COVID-19 có nhiều nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 - Ảnh 7.

Các triệu chứng của Bệnh Tiểu đường tuýp 2

3. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2

  • Nhìn mờ.
  • Mệt mỏi.
  • Ăn nhiều nhưng vẫn mau đói.
  • Uống nước nhiều nhưng vẫn mau khát.
  • Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Vết thương lâu lành.
  • Đau và tê ở chân hoặc tay.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Nhiễm trùng thường xuyên.
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân.
  • Các vùng da trên cơ thể bị sạm đen, thường là ở nách và cổ.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 gây các biến chứng

  • Biến chứng tim mạch.
  • Biến chứng thận.
  • Bệnh thần kinh ngoại vi.
  • Bệnh võng mạc mắt.
  • Các biến chứng trong thời kỳ mang thai.
F0 khỏi COVID-19 có nhiều nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 - Ảnh 8.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường có thể bao gồm các bệnh lý về mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, võng mạc tiểu đường; bệnh thận; biến chứng bàn chân như loét chân; biến chứng tim mạch như thần kinh ngoại biên, động mạch ngoại biên, đột quỵ, đau tim.

4. Bệnh tiểu đường tuýp 2 có chữa được không?

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có sự tác động qua lại giữa yếu tố gen, yếu tố môi trường và tuổi. Yếu tố có thể can thiệp được là môi trường, chẳng hạn như chế độ ăn, luyện tập thể dục thể thao, các stress.

Nếu mới chẩn đoán bệnh, mức đường huyết chưa quá cao, chưa có biến chứng do đái tháo đường, người bệnh có thể điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng thay đổi chế độ ăn và luyện tập. Cũng tùy mức đường huyết và bệnh lý kèm theo mà bác sĩ quyết định có dùng thuốc không, dùng thuốc gì.... Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể kiểm soát bằng chế độ ăn và luyện tập.

Để phòng chống các biến chứng về mạch máu, giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh tiểu đường tuýp 2 là duy trì glucose máu gần mức sinh lý.

5. Điều trị tiểu đường tuýp 2 như thế nào?

Hiện nay chưa thể chữa khỏi được tiểu đường. Điều cần làm là kiểm soát tốt đường máu và điều trị các bệnh lí kèm theo.

Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh tiểu đường. Trong đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày cùng với thiết lập chế độ thể dục thể thao hợp lý kết hợp theo dõi tình trạng bệnh lý thường xuyên là những việc làm quan trọng nhất mặc dù ở thể bệnh nào.

Ở thể tiểu đường tuýp 2, nếu bệnh nhân không cải thiện được tình trạng tăng lượng đường trong máu bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hàng ngày, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để ổn định lượng đường trong máu.

  • Kiểm soát đường huyết: Có thể dùng thuốc viên hoặc tiêm insulin tùy mức độ đường huyết và giai đoạn bệnh. Các thuốc viên có nhiều loại: Metformin, gliclazid, sitaglyptin,.. Hiện nay có nhiều loại thuốc mới đem lại hiệu quả tốt: Empagliflozin, dapagliflozin…
  • Khi cần dùng insulin thì phải dùng theo phác đồ, tuân thủ giờ tiêm và liều lượng tránh bị tụt đường huyết. Các loại insulin gồm có: Insulin thường (tác dụng rất nhanh và nhanh, insulin Lispro, Actrapid..), insulin bán chậm (NPH, Lente..), insulin chậm (ultralente..), insulin hỗn hợp (Mixtard..), insulin nền (Lantus).
  • Điều trị tăng huyết áp: Dùng các thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể đặc biệt khi có protein niệu (captopril, ibesartan, losartan..)
  • Điều trị rối loạn lipid máu: Liệu pháp statin. Các thuốc thường dùng: Tosuvastatin, atorvastatin..
F0 khỏi COVID-19 có nhiều nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 - Ảnh 9.

Người bệnh tiểu đường tuýp 2 có kế hoạch ăn uống hợp lý để ổn định đường huyết.

6. Biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường

  • Giữ mức đường huyết gần mức bình thường.
  • Tập thể dục thể thao và ăn uống điều độ.
  • Giữ cân nặng ở mức lành mạnh.
  • Ăn đủ bữa mỗi ngày.
  • Ăn uống lành mạnh: Các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và protein chất lượng cao. Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều chất béo và bột mì trắng
  • Hạn chế tối thiểu việc sử dụng đồ uống có cồn.
  • Kiểm tra mắt định kì hằng năm và kiểm tra răng miệng mỗi 6 tháng.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Nên đi khám sức khỏe định kỳ.
  • Đến bệnh viện ngay nếu sốt hoặc nôn mửa và không thể ăn uống; lượng đường huyết cao hoặc thấp bất thường.
  • Không hút thuốc.
  • Không uống rượu mạnh hoặc các dung dịch có nhiều đường.

Hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ: Đi khám hay tự chữa?


L.Vũ
th
Ý kiến của bạn