Trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa mấy khả quan thì hiện nay trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam như An Giang, Cà Mau,.... lại xuất hiện rất nhiều ca bệnh sốt xuất huyết.
Mùa mưa là thời điểm muỗi phát triển mạnh nhất. Đây cũng là yếu tố hàng đầu khiến cho số người mắc sốt xuất huyết gia tăng. Nếu như thời gian sắp tới tình hình dịch COVID-19 vẫn không được kiểm soát thì nguy cơ nhiễm dịch kép COVID-19 và sốt xuất huyết là rất cao. Đặc biệt là đối tượng trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã tiếp nhận khoảng 15 trẻ vừa mắc COVID-19 vừa bị sốt xuất huyết. Đặc biệt có ca đã trở nặng và cần sự can thiệp chuyên sâu với những triệu chứng trùng nhau như sốt cao, khó thở, mệt mỏi…
Tránh nhầm lẫn bệnh COVID-19 với sốt xuất huyết
BSCK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, tuy bệnh COVID-19 và sốt xuất huyết có các triệu chứng cảnh báo tương đối giống nhau nhưng cơ chế bệnh sinh của chúng lại đối nghịch nhau. Dịch COVID-19 sẽ gây nên tổn thương ở các cơ quan, hệ hô hấp và gây suy phổi, suy hô hấp. Đặc biệt nó còn gây ra tình trạng loạn máu, tăng đông gây tắc động mạch, tĩnh mạch và mao mạch khiến máu không thể lưu thông tới các cơ quan.
Trái ngược với COVID-19 thì sốt xuất huyết lại gây nên tình trạng xuất huyết và sốt ở người bệnh kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng, chảy máu cam, máu răng, tái sắc, lạnh toàn thân, nôn ra máu và đi ngoài phân đen.
Theo đó, hướng điều trị của hai bệnh này cũng hoàn toàn khác nhau do cơ chế hoạt động của chúng trái ngược nhau. Đối với những ca bệnh mắc COVID-19 từ cấp độ trung bình trở lên thì các bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc chống đông dự phòng corticoid. Trong khi đó corticoid được coi là loại thuốc chống chỉ định đối với người mắc sốt xuất huyết vì nó có thể gây xuất huyết tiêu hóa nặng.
Thông thường các ca nhiễm sốt xuất huyết đặc biệt là sốc sốt xuất huyết Dengue thì phương pháp truyền dịch đang được áp dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, để có thể truyền dịch an toàn, không xảy ra tình trạng tràn dịch trong cơ thể và khiến cho tình trạng suy hô hấp chuyển biến xấu thì cần đưa người bệnh tới bệnh viện để nhận được sự kiểm tra và tính toán từ bác sĩ có chuyên môn.
Khi bệnh nhân F0 bị nhiễm sốt xuất huyết đặc biệt là ở trẻ em thì chúng ta cần đặc biệt chú ý trong việc sử dụng thuốc để có thể mang lại hiệu quả cao trong điều trị và tránh được các biến chứng suy hô hấp về sau.
Lời khuyên cho các F0 bị nhiễm sốt xuất huyết
BSCK2 Nguyễn Minh Tiến khuyên rằng, các F0 đang điều trị tại nhà bị nhiễm sốt xuất huyết có thể tự cách ly, vận động nhẹ nhàng, chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước và bổ sung các khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng.
Lưu ý, chúng ta cũng có thể sử dụng thêm thuốc hạ sốt Paracetamol nhưng tuyệt đối không được sử dụng thuốc Ibuprofen trong điều trị COVID-19 vì nó có thể gây xuất huyết tiêu hóa và nguy hiểm đối với trẻ em.
Đối với trẻ em khi sốt liên tục 3 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm, tức ngực, mệt, li bì, nôn, bỏ bú và lạnh toàn thân thì nên đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất và nhanh nhất để có được sự thăm khám và điều trị kịp thời của đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao.
Hiện nay để phát hiện sốt xuất huyết sớm nhất chúng ta có thể sử dụng phương pháp test nhanh kháng nguyên Dengue NS1 bằng cách xét nghiệm máu, trong khi đó test nhanh mũi họng có thể phát hiện ra một người có nhiễm SARS-CoV-2 hay không.