Hà Nội

F0 có nên uống rượu bia?

TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải

TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải

Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa

SKĐS - Nhiều người cho rằng, uống rượu bia có thể phòng ngừa COVID-19. Các F0 cũng cho rằng, đồ uống có cồn sẽ giúp tiêu diệt virus, làm bệnh nhanh khỏi… Liệu quan niệm này có đúng không?

1. Rượu bia không diệt được SARS-CoV-2

Rượu bia có rất nhiều tác hại đối với sức khỏe, làm suy yếu hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch suy yếu thì nguy cơ mắc COVID-19 tăng lên. Nếu mắc bệnh COVID-19 dễ có nguy cơ chuyển biến nặng.

Một số người lầm tưởng với việc dùng cồn để sát khuẩn nên nghĩ uống đồ uống chứa cồn (rượu, bia) có thể phòng ngừa được COVID-19 hoặc diệt được SARS-CoV-2 khi virus xâm nhập vào cơ thể.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có ba loại cồn có thể dùng sát khuẩn trong y tế gồm:

  • Cồn ethanol,
  • n-propanol,
  • isopropanol.
F0 có nên uống rượu bia? - Ảnh 1.

ThS.BS. Lê Thị Hải - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa.

Cồn muốn diệt được virus phải từ 60 đến 70 độ trở lên, và virus phải bám ở da tay.

"Chúng ta cũng không thể ngậm rượu nồng độ cồn cao trong miệng suốt để diệt virus được, chưa kể khi đó virus đi vào trong cơ thể đã ngấm vào trong tế bào. Dùng cồn chủ yếu để diệt virus ở bàn tay, ở đồ dùng, vật dụng để khử khuẩn... chứ uống cồn vào trong họng không có hiệu quả" - BS. Hải nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng cho biết, đồ uống có cồn không bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới đã phát thông báo nhắc lại trong mọi trường hợp, uống rượu sẽ không diệt được virus hít trong không khí. Rượu không khử trùng miệng và cổ họng cũng như hoàn toàn không bảo vệ chống lại COVID-19 khi chúng đã xâm nhập vào cơ thể.

2. Đồ uống có cồn gây hại cơ thể như thế nào?

- Rượu làm tăng số lượng thụ thể ACE2 vốn là các mục tiêu được SARS-CoV-2 thích bám lấy để xâm nhập vào tế bào chúng ta.

- Người bình thường đã không nên uống rượu bia, hoặc nếu có uống thì cũng chỉ uống một số lượng vừa phải thì đương nhiên người đang mắc COVID-19 và sau mắc càng không nên uống vì có thể làm tăng sự lo lắng, trầm cảm hoặc các bệnh khác mà vốn dĩ những người đang mắc COVID-19 mắc phải. Chất lượng cuộc sống kém đi, khiến cho việc đối phó với sự căng thẳng trở nên khó khăn hơn.

- Uống rượu bia kích thích các phản ứng miễn dịch viêm làm tăng nguy cơ mắc các dạng bệnh nặng.

- Sử dụng rượu, bia, có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính và viêm phổi.

F0 có nên uống rượu bia? - Ảnh 2.

Rượu, bia không diệt được SARS-CoV-2.

Tác hại của rượu, bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra thông qua ba cơ chế trực tiếp chính gồm:

Thứ nhất, ngay với liều nhỏ và từ từ, chất cồn đã gây độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và dẫn đến hậu quả là mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần...), ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tinh thần.

Thứ hai, chất cồn gây nhiễm độc cấp tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của thần kinh trung ương, làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận thức, ảnh hưởng đến hành vi. Từ đó gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh (thương tích, tai nạn giao thông, bạo lực, hành vi nguy cơ...).

Thứ ba, rượu, bia là yếu tố nguy cơ quan trọng gây mắc các bệnh ung thư: Khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.

Với người bình thường uống rượu bia đã gây ra rất nhiều tác hại thì đương nhiên người đang mắc COVID-19 còn có nhiều tác hại hơn. Uống rượu bia làm bệnh COVID-19 tiến triển nặng hơn, nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, tuần hoàn, suy đa phủ tạng, có thể dẫn đến tử vong.
F0 có nên uống rượu bia? - Ảnh 4.

Các sản phẩm từ sữa rất tốt cho F0.

3. F0 nên ăn uống thế nào để nhanh phục hồi sức khỏe?

- Người mắc COVID-19 thường mệt mỏi, chán ăn, vì vậy cần ăn nhiều lần trong ngày, khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở.

- Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng vì nó khó tiêu; thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn trở nên ngon miệng hơn.

- Tăng cường bổ sung sữa và các sản phẩm của sữa, nên uống 2 cốc/ngày, vì sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu phù hợp với người bệnh. Đặc biệt với sữa năng lượng cao, làm cơ thể người bệnh mau chóng phục hồi. Nên ăn sữa chua hàng ngày để cung cấp các lợi khuẩn có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch.

- Các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa có tác dụng tốt với F0 là vitamin A, C, D, E và chất khoáng như sắt, kẽm… có vai trò trong chống viêm, chống nhiễm trùng.

- Rau quả là nguồn cung cấp các vitamin - khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Ăn các loại rau màu xanh sẫm và hoa quả màu đỏ hoặc vàng có chứa nhiều vitamin A, C, E.

- Ngoài ra, rau quả còn giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón. Nhu cầu rau xanh và hoa quả là từ 400 - 600g/người/ngày.

F0 có nên uống rượu bia? - Ảnh 5.

Nước ép trái cây giúp F0 nhanh hồi phục.

- Người mắc COVID-19 thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết. Các loại nước được chế biến rất đơn giản từ rau xanh, hoa quả và rất nhiều các loại khác tùy theo sở thích của mỗi người.

- Các loại nước sinh tố hoa quả, ngoài cung cấp nước, chúng còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước xoài… để cung cấp lượng vitamin và khoáng chất là cần thiết cho cơ thể.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?

ThS.BS. Lê Thị Hải
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa
Ý kiến của bạn