Mất vị giác và khứu giác cấp tính sau nhiễm SARS-CoV-2 là các biểu hiện đặc trưng ảnh hưởng đến 20-85% số người nhiễm. Tuy hai biểu hiện này không ảnh hưởng tới tính mạng của người nhiễm nhưng làm giảm ngon miệng, giảm khả năng cảm nhận mùi vị xung quanh. Từ đó làm người bệnh dễ bị stress do lo lắng vì bị nhiễm SARS-CoV-2 cùng với không còn cảm giác ngon miệng.
Người bệnh chán ăn, có thể dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch của cơ thể với bệnh. Đây là yếu tố thuận lợi có thể làm cho tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 nặng hơn và trở thành bệnh COVID 19 hoặc dễ làm cho người nhiễm xuất hiện các biểu hiện của hậu COVID.
1. Vì sao SARS-CoV-2 lại gây mất vị giác và khứu giác?
Nhiều nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu về nguyên nhân khiến người nhiễm SARS-CoV-2 bị mất mùi và vị nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Người nhiễm SARS-CoV-2 bị mất mùi và vị giác có thể là do biểu hiện ngạt mũi che lấp khe khứu, có thể do cơn bão cytokine cục bộ, tổn thương các trung tâm khứu giác trong não, tổn thương trực tiếp tế bào thần kinh thụ cảm khứu giác (ORN), cũng được gọi là tế bào thần kinh cảm giác khứu giác (OSN), hoặc tế bào trung tâm (SUS).
Do mối liên hệ chặt chẽ giữa các chức năng khứu giác và vị giác, có thể sự hiện diện đồng thời của rối loạn chức năng khứu giác ảnh hưởng xấu đến khả năng nhận thức vị giác ở bệnh nhân COVID-19. Đồng thời SARS-CoV-2 gây tổn thương trực tiếp đến vị giác và tuyến nước bọt, liên kết với các thụ thể acid sialic và gây viêm.
Những nghiên cứu này đã tìm ra sự tương tác của SARS-CoV-2 với các thụ thể của tế bào thần kinh khứu giác và vị giác làm cho người nhiễm mất cảm nhận mùi và vị. Nhưng những người này lại thường biểu hiện tình trạng nhiễm nhẹ hoặc rất nhẹ vì được hưởng lợi từ các chất bảo vệ thần kinh, chống viêm hoặc khử cực từ hiện tượng gắn kết này.
2. Các phương pháp điều trị chứng mất vị giác và khứu giác của người nhiễm SARS-CoV-2
2.1. Các phương pháp không dùng thuốc
- Điều trị tốt biểu hiện ngạt mũi của người nhiễm SARS-CoV-2.
- Châm cứu hoặc điện xung các huyệt: Nghinh hương, ấn đường, toản trúc, tình minh, thừa khấp, lưỡi.
2.2. Các thuốc điều trị mất vị giác và khứu giác
Dựa trên các bằng chứng từ các nghiên cứu nói trên, các chất ức chế phosphodiesterase, insulin và corticosteroid có thể điều trị được cảm giác mất mùi và vị do nhiễm SARS-CoV-2.
Các thuốc điều trị mất vị giác và khứu giác ở người nhiễm SARS-CoV-2 đều đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, người nhiễm SARS-CoV-2 tuyệt đối không tự ý sử dụng.
- Pentoxifylline (uống hoặc tiêm) là một dẫn xuất methylxanthine tác động lên chức năng khứu giác.
- Caffeine (IIb/B-R): Là một chất kích thích thần kinh trung ương có thể bằng thuốc hoặc sử dụng mỗi ly cà phê mỗi ngày (trừ những người không uống được cà phê).
- Theophylline (IIb/B-NR): Có liên quan đến nồng độ cAMP và cGMP thấp hơn trong chất nhầy ở mũi và nước bọt. Bệnh nhân dùng theophylline trong 2-8 tháng uống hoặc nhỏ mũi.
- Insulin qua đường mũi (IIa/B-R): Insulin có thể tham gia vào chức năng khứu giác thông qua các thụ thể trên bề mặt tế bào ngửi, vị giác, có tác dụng bảo vệ thần kinh và có thể tái tạo niêm mạc khứu giác (Fadool và cộng sự, 2011; Lacroix và cộng sự, 2011). Chức năng của hệ thống khứu giác được đánh giá 30 phút sau khi dùng insulin.
- Statin (IIb/C-EO): Statin được biết đến là chất ức chế men khử 3-hydroxy-3-methylglutaryl-coenzyme A (HMG-CoA) được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp tăng cholesterol máu. Bên cạnh hoạt động làm giảm lipid, chúng có nhiều đặc tính có lợi, bao gồm tác dụng chống viêm, điều hòa miễn dịch và bảo vệ thần kinh (Saee di Saravi et al., 2017). Những nghiên cứu đều cho thấy tác dụng bảo vệ thần kinh và chống viêm của statin để cải thiện chứng rối loạn chức năng khứu giác (anosmia) liên quan đến COVID-19.
- Minocycline (IIb/C-EO): Minocycline thuộc nhóm kháng sinh tetracycline được điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng và có khả năng tác động lên tế bào thần kinh, làm cho minocycline trở thành tác nhân bảo vệ thần kinh, trong đó có tác nhân chống lại rối loạn chức năng khứu giác, bởi minocycline có thể ức chế quá trình chết theo chương trình của các tế bào thần kinh khứu giác và vị giác.
- Kẽm (III/B-R): Kẽm là một nguyên tố vi lượng đóng góp như một trong những yếu tố tăng trưởng chức năng vị giác và khứu giác, do tham gia vào các yếu tố tăng trưởng kích hoạt các tế bào gốc ở cả vị giác và tế bào biểu mô khứu giác. Có thể nhỏ mũi bằng kẽm sulfat 5% theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Vitamin A qua đường mũi (IIb/C-LD): Chất chuyển hóa của vitamin A, acid retinoic, tham gia vào các quá trình sinh học khác nhau, bao gồm hình thành phôi hệ khứu giác, tăng trưởng tế bào và biệt hóa. Ngoài ra, acid retinoic có các đặc tính điều hòa miễn dịch có thể cải thiện khả năng bảo vệ và bảo vệ tế bào, chủ yếu của thần kinh khứu giác và vị giác.
- Omega-3 (IIb/B-R): Là những phần quan trọng của phospholipid màng có tác động đáng kể lên khứu giác và vị giác.
- Corticosteroid (mometasone: III/B-R; fluticasone: IIa/B-NR; triamcinolone dạng uống: IIa/B-NR): Có thể chống lại phản ứng viêm cục bộ ở vùng mũi và vị giác do COVID-19 gây ra. Ngoài ra, corticosteroid có thể trực tiếp cải thiện chức năng khứu giác bằng cách điều chỉnh natri-kali adenosine triphosphatase (Na/K-ATPase).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?