F-35 là chương trình máy bay tốn kém với kết quả thất vọng

25-10-2024 16:09 | Quốc tế
google news

SKĐS - Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) vừa công bố báo cáo đánh giá về chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Không quân Mỹ, bao gồm ba phiên bản F-35A, F-35B và F-35C.

Báo cáo cho thấy, từ năm 2018 đến 2023, không một phiên bản nào của F-35 đạt được các "mục tiêu khả thi" như đã đặt ra, với kết quả đáng lo ngại là "0/6" cho sáu năm liên tiếp.

F-35 là chương trình máy bay tốn kém với kết quả thất vọng- Ảnh 1.

Tiêm kích F-35. (Nguồn: Lockheed Martin)

Điều này khiến giới chức quốc phòng và công chúng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của dự án quân sự tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ, với ngân sách lên đến 1,500 tỷ USD.

Không chỉ riêng F-35, các dòng máy bay quân sự khác của Mỹ như F-15E, F-22 Raptor, EA-18G và F/A-18 cũng không đạt được mục tiêu hoạt động trong giai đoạn này.

Các dòng máy bay A-10, F-15C, F-15D và F-16 chỉ đạt yêu cầu trong một số năm nhất định. Sự yếu kém này đặt ra nghi ngại về cách thức quản lý đầu tư và chiến lược hoạt động của quân đội.

Ban đầu, F-35 được kỳ vọng sẽ cung cấp một lợi thế công nghệ vượt trội trong tác chiến trên không. Tuy nhiên, chương trình này bị cản trở bởi nhiều vấn đề kỹ thuật như phần mềm lỗi, lỗi cơ học và khó khăn trong việc tích hợp công nghệ tiên tiến.

Các hệ thống radar và quản lý dữ liệu - yếu tố giúp F-35 nâng cao khả năng tàng hình và cơ động - thường không hoạt động như dự kiến. Những vấn đề này hạn chế đáng kể khả năng tác chiến mạng lưới, một yêu cầu sống còn trong các chiến dịch hiện đại, nơi việc chia sẻ thông tin là yếu tố then chốt.

Tác động đến vị thế chiến lược của Mỹ

Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển sức mạnh quân sự, F-35 không đạt chuẩn có thể gây ảnh hưởng đến vị thế chiến lược của Mỹ trong cuộc đua chiếm ưu thế trên không.

Đội trình diễn F-35A Lightning II của Không quân Mỹ biểu diễn tại Triển lãm hàng không Ấn Độ Aero India 2023. (Nguồn: Getty Images)

Chi phí duy trì F-35 cao ngất ngưởng, khoảng 36.000 USD cho mỗi giờ bay, đắt hơn nhiều so với các dòng máy bay khác, tạo áp lực lên ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Việc duy trì hệ thống F-35 đã lão hóa cũng tiêu tốn lượng lớn ngân sách mà lẽ ra nên đầu tư vào công nghệ hiện đại và các chương trình quân sự thiết yếu khác.

Trước những thách thức toàn cầu ngày càng phức tạp và các hình thức đe dọa bất đối xứng, quân đội Mỹ đang cần một cách tiếp cận linh hoạt và bền vững hơn đối với trang thiết bị quân sự.

Trong khi các nước khác chuyển sang tập trung vào máy bay không người lái và công nghệ tiên tiến, Lầu Năm Góc vẫn sa vào chu kỳ chi tiêu tốn kém cho F-35.

Đây là một cảnh báo nghiêm trọng về việc phân bổ ngân sách quân sự hợp lý, nhất là khi Washington không thể tụt hậu trong cuộc đua công nghệ quốc phòng.

Điểm "0/6" của F-35 không chỉ là một số liệu khô khan, mà phản ánh một thất bại hệ thống có thể gây tác động sâu sắc đến an ninh quốc gia.

F-35, do Lockheed Martin phát triển, đã được khởi xướng với mục tiêu tham vọng: trang bị cho Mỹ và các đồng minh một thế hệ không quân mới với khả năng tàng hình, cơ động vượt trội và hệ thống xử lý thông tin tích hợp.

Các "mục tiêu khả thi" của F-35 bao gồm yêu cầu về mức độ sẵn sàng hoạt động, khả năng chiến đấu, hỗ trợ nhiệm vụ và tích hợp công nghệ. Thực tế cho thấy các mục tiêu này, như tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu tối thiểu 70% và số lượng nhiệm vụ chiến đấu thành công, vẫn chưa được đáp ứng.

Sự thiếu hụt của F-35 đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo quốc phòng xem xét lại toàn bộ chiến lược hỗ trợ và phân bổ ngân sách cho chương trình.

Iran đặt mục tiêu sản xuất Su-30 và Su-35Iran đặt mục tiêu sản xuất Su-30 và Su-35

SKĐS - Iran đang tiến gần hơn đến việc tự sản xuất các dòng máy bay chiến đấu hiện đại Su-30 và Su-35 của Nga ngay trên lãnh thổ của mình.


Xuân Minh
(Theo Business Insider, Bulgarian Military)
Ý kiến của bạn