Gần đây, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning II – dòng chiến đấu cơ tàng hình chủ lực của Mỹ, đã được triển khai trong các chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen. Cả phiên bản F-35A của Không quân và F-35C của Hải quân Mỹ đều tham gia chiến dịch kéo dài 2 tháng tại Trung Đông.

Tiêm kích F-35 được thiết kế và chế tạo với mục tiêu hàng đầu là khả năng tàng hình. (Nguồn: US Air National Guard)
Trong tuần này, một số bản tin dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ rằng một chiếc F-35 đã phải thực hiện động tác cơ động né tránh trong Chiến dịch Rough Rider để thoát khỏi một cuộc tấn công bằng tên lửa đất đối không của Houthi. Tuy nhiên, chưa rõ liệu máy bay có thực sự là mục tiêu bị khóa hay chỉ vô tình bị tên lửa bay gần.
Lầu Năm Góc và Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, cơ quan giám sát các hoạt động quân sự tại Trung Đông, chưa đưa ra bình luận chính thức.
'Tàng hình' không có nghĩa là bất khả xâm phạm
F-35 là sản phẩm của tập đoàn Lockheed Martin, được thiết kế để xuyên thủng các khu vực phòng không dày đặc, nơi có sự hiện diện của cả radar, hệ thống tên lửa hiện đại và các máy bay đối phương tiên tiến. Với vai trò này, máy bay có thể hỗ trợ các nền tảng chiến đấu khác bằng cách thu thập và chia sẻ dữ liệu mục tiêu mà không bị phát hiện.
Tuy nhiên, như cựu phi công thử nghiệm của Lockheed và chỉ huy chiến đấu Không quân Hoàng gia Canada Billie Flynn giải thích, việc tàng hình chủ yếu dựa vào việc giảm tiết diện radar – bề mặt phản xạ sóng radar của máy bay, xuống mức cực nhỏ, chỉ tương đương một quả bóng bàn hoặc nhỏ hơn.
Điều này khiến F-35 rất khó bị radar phát hiện, đặc biệt ở khoảng cách xa. Ngoài hình dáng được thiết kế tối ưu để phân tán sóng radar, F-35 còn được phủ một lớp sơn hấp thụ radar, sử dụng vật liệu composite, mang vũ khí bên trong thân máy bay để hạn chế tối đa tín hiệu phản hồi.
Bên cạnh đó, F-35 còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến như AN/ASQ-239, cho phép gây nhiễu, đánh lừa hoặc vô hiệu hóa các hệ thống dò tìm của đối phương.
Không phải mọi thứ đều 'tàng hình' hoàn toàn
Theo chuyên gia hàng không Richard Aboulafia, giám đốc điều hành công ty tư vấn AeroDynamic Advisory, khả năng quan sát thấp của F-35 chỉ là một phần trong hệ thống tác chiến toàn diện. Điểm mạnh thực sự của F-35 là khả năng phát hiện và xử lý mối đe dọa trước khi bị phát hiện.
Ông nhấn mạnh rằng không có thiết bị nào hoàn toàn không thể bị phát hiện. Nếu F-35 mang theo vũ khí bên ngoài ở chế độ được gọi là "chế độ quái thú" (beast mode), khả năng tàng hình sẽ bị giảm đáng kể. Ngoài ra, nếu đối phương vô tình kích hoạt radar đúng lúc và đúng vị trí, khả năng phát hiện vẫn có thể xảy ra.
Một ví dụ lịch sử là vào cuối thập niên 1990, quân đội Nam Tư đã từng bắn rơi một chiếc F-117 Nighthawk, một trong những máy bay tàng hình đầu tiên của Mỹ, trong chiến tranh Kosovo. Điều này cho thấy ngay cả máy bay tàng hình cũng có thể bị đánh bại trong một số điều kiện nhất định.
Mối đe dọa từ phòng không Houthi
Tướng nghỉ hưu Gordon Davis, từng là Phó trợ lý Tổng thư ký NATO và hiện là thành viên cấp cao của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), nhận định hệ thống phòng không của lực lượng Houthi là mối đe dọa thực sự đối với cả máy bay quân sự lẫn dân sự hoạt động gần Yemen.
Theo ông, nhờ vào sự huấn luyện và hỗ trợ từ Iran, Houthi hiện sở hữu một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất mà một lực lượng phi nhà nước ở Trung Đông từng có.
Ông Davis cho biết, mặc dù lý thuyết cho thấy hệ thống này có thể nhắm bắn vào F-35, nhưng trên thực tế, việc bắn hạ một chiếc F-35 hoạt động bình thường là điều cực kỳ khó xảy ra. Máy bay không chỉ có các biện pháp phòng vệ tiên tiến, mà còn được điều khiển bởi các phi công được huấn luyện để xử lý tình huống khẩn cấp một cách thành thạo.
Theo cựu phi công Billie Flynn, để bất kỳ hệ thống phòng không nào, dù của Houthi, Nga hay Trung Quốc, có thể phát hiện và khóa mục tiêu vào một chiếc F-35 đang thực hiện nhiệm vụ, máy bay này sẽ phải để lộ vị trí của mình ở mức độ rất lớn. "Điều đó gần như là không tưởng", ông nói.