Ông Cavoli cho biết, các phi công Ukraine đang vận hành loại máy bay chiến đấu này hàng ngày, với sự hỗ trợ từ các đồng minh như Hà Lan và Đan Mạch thông qua các đợt viện trợ mới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên cạnh một tiêm kích F-16. (Nguồn: X/Aleksandr X)
F-16 Fighting Falcon là máy bay chiến đấu đa năng do General Dynamics (nay là Lockheed Martin) phát triển từ đầu những năm 1970. Ban đầu được thiết kế cho không chiến, F-16 đã phát triển thành nền tảng chiến đấu đa nhiệm, từ không đối không đến tấn công mặt đất chính xác.
Với thiết kế nhỏ gọn, tốc độ trên Mach 2, vũ trang bằng pháo M61 Vulcan 20mm, tên lửa AIM-9, AIM-120 và bom dẫn đường như JDAM, F-16 có khả năng chiến đấu linh hoạt vượt trội so với các máy bay MiG-29 và Su-27 cũ của Ukraine.
F-16 hiện được Ukraine sử dụng mỗi ngày để tấn công các vị trí tên lửa và căn cứ của Nga ở miền Đông. Theo các báo cáo, hơn 80% tên lửa do F-16 phóng ra đã đánh trúng mục tiêu, vô hiệu hóa UAV Shahed và tên lửa hành trình Nga, nhờ vào radar tiên tiến như AN/APG-66 và AN/APG-68.
Tên lửa AIM-120 AMRAAM, với tầm bắn lên tới 105 km, giúp F-16 có thể tấn công từ xa, vượt trội so với tên lửa R-73 tầm ngắn của các máy bay đời cũ. Về tấn công mặt đất, Ukraine đã trang bị cho F-16 bom GBU-39 (SDB) và bộ JDAM-ER, biến bom thông thường thành vũ khí dẫn đường bằng GPS có tầm xa trên 64 km, cho phép tấn công từ ngoài tầm với của hệ thống phòng không Nga.
F-16 cũng có thể đảm nhận nhiệm vụ chế áp phòng không đối phương (SEAD), một thế mạnh nhờ hệ thống tác chiến điện tử hiện đại. Với pod gây nhiễu AN/ALQ-131, F-16 có thể phá vỡ radar của S-300 và S-400, mở đường cho các máy bay khác. Dù chưa có xác nhận chính thức về các nhiệm vụ SEAD tại Ukraine, nhưng NATO từng sử dụng F-16 hiệu quả trong vai trò này tại Balkan và Trung Đông.
Tuy nhiên, việc bảo trì F-16 trong điều kiện chiến sự là thách thức lớn. F-16 yêu cầu chuỗi cung ứng tinh vi, phụ tùng nhập khẩu và hạ tầng chuyên biệt. Tướng Cavoli cho biết thêm nhiều máy bay đang được chuẩn bị triển khai và các phi công đang được đào tạo.
Hà Lan đã cam kết gửi 24 chiếc F-16 từ năm 2024, trong khi Đan Mạch cũng đóng góp một số lượng chưa rõ từ đội bay dự phòng. Các đồng minh còn cung cấp phụ tùng, đạn dược và hỗ trợ kỹ thuật. Các hoạt động bảo dưỡng có thể đang được tiến hành tại các quốc gia NATO như Ba Lan hoặc Romania để tránh bị tấn công.
Việc bảo dưỡng F-16 vẫn là dấu hỏi lớn, vì hạ tầng sân bay Ukraine hiện không phù hợp hoàn toàn với máy bay phương Tây. Một số đường băng được cải tạo, hoặc các đoạn đường cao tốc có thể được sử dụng giống như chiến thuật từng thấy ở Thụy Điển thời Chiến tranh Lạnh. Dù vậy, mỗi giờ bay F-16 cần khoảng 16 giờ bảo trì, đòi hỏi hậu cần quy mô lớn.
Nga không ngồi yên trước động thái này. Sau khi phương Tây cam kết viện trợ F-16 vào năm 2023, Nga coi đây là "lằn ranh đỏ". Đáp lại, Moscow triển khai hệ thống phòng không S-400 với tên lửa 40N6, có tầm bắn tới 400 km. Điều này buộc F-16 phải bay thấp hoặc ở rìa vùng chiến sự để tránh bị phát hiện.
Nga cũng tái triển khai các chiến đấu cơ hiện đại như Su-35S và MiG-31BM nhằm đối phó với mối đe dọa mới. Su-35 là máy bay thế hệ 4.5 với tên lửa R-77 và khả năng cơ động cao, trong khi MiG-31 mang tên lửa R-33 và bay với tốc độ Mach 2.83.
Nga còn tăng cường tấn công vào các sân bay Ukraine bằng tên lửa Iskander và UAV tầm xa để phá hủy máy bay trên mặt đất. Một chiếc F-16 của Ukraine đã bị mất vào tháng 8/2024, được cho là do hỏa lực đồng minh, cho thấy rủi ro trong vận hành.
Ukraine có thể sẽ phân tán phi đội F-16 nhỏ (ước tính khoảng 16-18 chiếc) ra nhiều địa điểm khác nhau, chiến thuật từng dùng cho máy bay Liên Xô, nhưng ưu thế về số lượng và hỏa lực của Nga khiến mọi phi vụ đều rất mạo hiểm.
Tướng Cavoli nhấn mạnh việc đang có thêm phi công và máy bay sắp vào biên chế, phản ánh cam kết lâu dài từ châu Âu. Trong khi đó, Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump đã đình chỉ hỗ trợ tác chiến điện tử cho F-16, khiến hiệu quả chống radar Nga có thể bị suy giảm.
Pháp đã chuyển giao máy bay Mirage 2000 từ tháng 2, nhưng F-16 vẫn là trụ cột của lực lượng không quân Ukraine do phương Tây hỗ trợ.