EVN thu về hơn 18.000 tỷ đồng sau đợt tăng giá điện

31-05-2019 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, toàn bộ nguồn doanh thu tăng thêm sau khi điều chỉnh giá điện ước tính trên 18.000 tỷ đồng và được sử dụng toàn bộ để thanh toán các chi phí đầu vào.

Thay thế 10 triệu công tơ điện tử

Giải đáp những vấn đề liên quan đến việc thực hiện giá điện, hóa đơn tiền điện được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh của EVN cho biết, đến thời điểm này, EVN đã thay thế được 10 triệu công tơ điện tử trong tổng số khoảng 27 triệu khách hàng sử dụng điện.

EVN đang sử dụng 2 loại công tơ để đo đếm điện năng: Công tơ cơ và công tơ điện tử. Trong đó, công tơ điện tử được đưa vào sử dụng từ năm 2005 để dần dần thay thế cho công tơ cơ. Tuy nhiên, trong thực tế việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Vì vậy, để tránh lãng phí, EVN vẫn tận dụng những công tơ cơ đang sử dụng tốt, đồng thời xây dựng lộ trình thay thế dần bằng công tơ điện tử.

Cụ thể, mục tiêu là đến năm 2020, sẽ thay thế 100% công tơ cơ bằng công tơ điện tử ở các thành phố, thị xã và 50% ở khu vực nông thôn.

Về vấn đề kết nối công tơ điện tử với máy tính, ông Dũng cho biết hiện EVN đã triển khai đối với khách hàng sử dụng điện lớn, sử dụng công tơ 3 pha.

Theo đó, các chỉ số từ công tơ sẽ được cập nhật 30 phút/lần và công khai, minh bạch. Khách hàng truy cập không chỉ xem được chỉ số công tơ ở thời điểm hiện tại, mà còn tra cứu được tất cả thông số về lịch sử dụng điện của thời gian trước đó như năm trước, tháng trước.

Với khách hàng sinh hoạt sử dụng công tơ một pha, để kết nối được cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại với nguồn vốn rất lớn. Vì vậy, EVN cũng đang triển khai theo lộ trình.

Ảnh minh họa.

Đại diện Ban Kinh doanh của EVN cho biết trong những năm qua, EVN đặc biệt quan tâm đến công tác hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Năm 2018, năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện toàn Tập đoàn đạt 2,18 triệu kWh/người, tăng 11% so với năm 2017.

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN: Trong năm 2019, các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến giá thành điện đều tăng như giá than, giá khí, giá điện cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo, chênh lệch tỷ giá, tăng thuế môi trường... khiến chi phí dự kiến tăng hơn 20.000 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn doanh thu tăng thêm sau khi điều chỉnh giá điện ước tính cũng chỉ trên 18.000 tỷ đồng và được sử dụng toàn bộ để thanh toán các chi phí đầu vào đã tăng này, và thậm chí còn chưa đủ để bù đắp các chi phí sản xuất điện dự kiến tăng hơn 20.000 tỷ đồng, đơn vị này sẽ tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí để phấn đấu bảo đảm cân bằng tài chính...

Nguy cơ nhiều khó khăn về cung cấp điện trong giai đoạn tới

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN: Hiện nay, EVN sở hữu khoảng 60% tỷ trọng công suất nguồn toàn hệ thống, bao gồm cả các công ty cổ phần, các tổng công ty phát điện. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2020, EVN giảm xuống chỉ còn sở hữu khoảng 52%; đến năm 2025 là 30% và năm 2030 còn 18%. Như vậy, trong thời gian tới, việc đáp ứng nhu cầu điện không chỉ là vai trò của EVN mà còn phụ thuộc vào các chủ đầu tư khác.

Đáng lo ngại là một số dự án của các nhà đầu tư bên ngoài EVN đang chậm tiến độ, nên việc đảm bảo nguồn cung cho tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện vẫn ở mức cao (từ 8-9%) là rất khó khăn.

Đơn vị này đã chủ động báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành để có giải pháp đảm bảo điện trong thời gian tới; trong đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện. Đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp, chính sách, cơ chế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả...


D.Hải
Ý kiến của bạn