Hà Nội

Eurozone chìa tay cứu Hy Lạp

27-02-2015 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Khu vực đồng euro vừa bật đèn xanh kéo dài kế hoạch trợ giúp Hy Lạp thêm 4 tháng, sau cuộc họp qua điện thoại giữa 19 Bộ trưởng Tài chính của khu vực.

Khu vực đồng euro vừa bật đèn xanh kéo dài kế hoạch trợ giúp Hy Lạp thêm 4 tháng, sau cuộc họp qua điện thoại giữa 19 Bộ trưởng Tài chính của khu vực. Quyết định chính thức của khu vực euro được đưa ra sau khi Chính phủ các nước đồng ý với danh sách các biện pháp cải cách mà Hy Lạp đã gửi.

Hy vọng EU có đủ sức cứu Hy Lạp.

Đồng thuận về nguyên tắc của nhóm eurozone nói trên được Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách về euro Valdis Dombrovskis thông báo qua mạng Twitter. Các thảo luận giữa Bộ trưởng Tài chính 19 nước diễn ra trong hơn một tiếng, sau khi nhận được sự đồng ý trước của “Bộ Ba” định chế chủ nợ cũ của Hy Lạp (Liên hiệp châu Âu, Ngân hàng châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF). Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách về euro, kể từ đây, các nước thành viên có thể tiến hành “các thủ tục quốc gia”, ví dụ như có sự phê chuẩn của Quốc hội. Mọi người đặc biệt quan tâm đến phản ứng của Quốc hội Đức.Trong suốt thời gian đàm phán, Athenes đã có nhiều cuộc trao đổi với Bruxelles để chuyển giao danh sách các biện pháp cải cách đúng thời hạn, như đã hứa. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách về euro, nhiều “trao đổi mang tính xây dựng” đã diễn ra trong suốt kỳ nghỉ cuối tuần qua giữa tân Chính phủ đảng cánh tả cấp tiến và các chủ nợ. Riêng IMF tỏ ra dè dặt trước quyết định nói trên, vì cho rằng Athens chưa có “các bảo đảm rõ ràng” để bảo đảm các cải cách công bố sẽ được thực thi. Danh sách các cải cách cụ thể là điều kiện tiên quyết để khu vực đồng euro chấp thuận kéo dài thêm 4 tháng kế hoạch trợ giúp Hy Lạp, trên nguyên tắc sẽ hết hạn vào ngày 28/2.

EU được khuyến khích bởi các cam kết mạnh mẽ của Hy Lạp trong việc chống trốn thuế và nạn tham nhũng. Ủy ban châu Âu đã có tuyên bố lạc quan như trên trước khi bắt đầu vào việc đánh giá các biện pháp mà Athenes vừa chuyển đến. Vấn đề còn lại là liệu các biện pháp này có được chấp nhận hay không trong cuộc họp qua video hội nghị của nhóm các nước dùng đồng tiền chung châu Âu. Cần nhấn mạnh là việc Hy Lạp chuyển giao các đề nghị đã gây ra nhiều hồi hộp và lo lắng vì đến nay Athenes vẫn muốn tham khảo trước các đối tác để chắc chắn là các biện pháp đề xuất sẽ được chấp thuận. Ví dụ, người ta được biết là Chính phủ Hy Lạp có ý định tăng mức lương tối thiểu như đã thông báo, nhưng giờ đây, Athenes cam kết chỉ làm việc này khi có sự chấp thuận của nhóm euro. Tương tự, Hy Lạp bảo đảm là không thay đổi quyết định đối với các dự án tư nhân hóa đã hoàn tất hoặc đã được gọi thầu. Mặt khác, văn bản chuyển cho châu Âu cũng đề cập đến các cải cách hệ thống thuế khóa, chống trốn thuế, xem xét và làm chủ các chi tiêu công. Châu Âu cũng mong đợi Hy Lạp đưa ra các biện pháp chống gian lận, cải cách hệ thống quản lý đăng ký sở hữu đất đai, chống tham nhũng, buôn lậu xăng dầu, thuốc lá.

Những rắc rối về nợ công ở Hy Lạp đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 11 năm của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Nếu EU phó mặc Hy Lạp cho IMF, rõ ràng sẽ là “lợi bất cập hại”. Sự can thiệp của các định chế tài chính đa quốc gia là tín hiệu báo trước sự thất bại trong cơ chế hoạt động của khối và làm mất uy tín của đơn vị tiền tệ chung châu Âu. Liên minh châu Âu không thể đẩy Hy Lạp ra khỏi tổ chức các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu cũng như không thể để Hy Lạp một mình đương đầu với khủng hoảng.

Với số nợ 404 tỉ USD (113% GDP) của Hy Lạp nếu không được giải quyết sớm sẽ gây ảnh hưởng đến cả châu Âu, nền kinh tế Mỹ và nhiều quốc gia khác, đẩy hàng vạn người lao động đến tình cảnh thất nghiệp. Nếu không được kìm hãm, khủng hoảng sẽ đe dọa đến sự ổn định của 16 nước đang dùng đồng tiền chung euro rồi lan sang Ðại Tây Dương, đến Mỹ. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ này, đồng đô-la Mỹ đang mạnh hơn đồng euro. Theo quy luật thị trường, đồng tiền mạnh hơn sẽ làm cho hàng hóa Mỹ xuất đi châu Âu có giá đắt hơn. Thêm vào đó, giá trị của đồng euro ở châu Âu đang giảm mạnh, tỉ giá giữa euro và USD càng ngày càng chênh lệch lớn. Hai yếu tố này sẽ khiến người châu Âu không thể mua nhiều sản phẩm đến từ nước Mỹ.

(Theo Bloomberg, AFP)

Quỳnh Anh

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: