Ngay trước thềm hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã cảnh báo chưa có gì đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo EU có thể đạt được thỏa thuận giữ Anh ở lại "mái nhà chung". Trong bức thư gửi lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU, Chủ tịch Donald Tusk cho biết sau các cuộc tham khảo ý kiến trước thềm hội nghị, ông thừa nhận rằng không có gì đảm bảo chắc chắn nào về việc EU sẽ đạt thỏa thuận với London.
Nguyên nhân là do những tồn tại giữa Anh và EU. Hội nghị thượng đỉnh lần này được cho là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mối quan hệ Anh-EU sau những căng thẳng gần đây liên quan tới chuyện nước Anh có thể sẽ rút khỏi EU. Anh đã đưa ra bản dự thảo đề xuất 4 điểm yêu cầu EU phải cải cách. Anh sẽ hạn chế công dân EU nhập cư tiếp cận chế độ phúc lợi của Anh. Cụ thể, Anh cho biết họ sẽ "đóng băng" các khoản phúc lợi ngoài lương đối với công dân EU nhập cư cho đến khi họ đã hoàn thành 4 năm làm việc tại Anh.
Ngoài ra, Anh đưa ra yêu cầu cơ chế bảo vệ cho các nước thành viên EU không nằm trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Anh sẽ không bị ràng buộc bởi những quy tắc chính trị trong hiệp ước của EU. Nếu những ưu tiên của nước Anh không được chấp thuận, Anh có khả năng sẽ nói lời chia tay với EU. Phải chịu nhiều sức ép, Thủ tướng Cameron cam kết sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc Anh đi hay ở lại EU trong tháng 6 năm nay. Điều này có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng mới tại châu Âu trong bối cảnh "lục địa già".
A: Nước Anh sẽ ra đi hay ở lại EU? Tất nhiên, đề xuất trên đã vấp phải sự phản đối từ các nước thành viên EU. Bản thân nhiều quốc gia trong EU đặc biệt là các quốc gia Trung và Đông Âu có đông công dân đang làm việc tại Anh. Trong khi đó, các thống kê cho thấy từ năm 2011 mức độ đóng góp của người di cư châu Âu cho ngân sách Anh lớn hơn tới 30% và còn tiếp tục tăng.Nhiều quốc gia cho rằng, bất kỳ sự hạn chế nào đối với việc tiếp cận phúc lợi xã hội của công dân EU di cư trong vòng 4 năm đầu tiên và việc ngăn cản họ xin phúc lợi xã hội cho con cái là sự phân biệt đối xử và do đó vi phạm các quy định của EU.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng điều cần thiết trong EU là tập trung vào tính cạnh tranh, sự minh bạch và chống quan liêu. “Đây không chỉ là vì lợi ích của Anh”, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh “Một số yêu cầu của Thủ tướng Cameron không đơn thuần chỉ là cho lợi ích riêng của nước Anh. Một số yêu cầu rất chính đáng và hợp lí. Mục tiêu của chúng ta là phản đối sự phân biệt đối xử nhưng cũng khuyến khích sự khác biệt. Điều này không đi ngược với thực tế Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu sẽ tiếp tục đưa ra các quyết định cần thiết của riêng mình”.
Trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Brussels, nơi đề nghị cải cách của Thủ tướng David Cameron được bàn thảo, Thủ tướng Đức Merkel đã kêu gọi EU cần thông cảm và hiểu cho vị trí của Anh.
“Các cuộc đàm phán đang bước vào thời điểm quan trọng. Đây là lúc chúng ta phải lắng nghe nhau chứ không phải là làm theo cách riêng của mình”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói. Ông cho rằng các cuộc đàm phán nhằm giữ Anh ở lại EU đang ở "thời điểm quyết định” và hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu lần này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương lai của khối liên minh 28 nước thành viên.
Một điều chắc chắn, nếu Anh ra đi điều đó sẽ thực sự là một cú sốc lớn đối với EU. Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nói rằng nếu nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, đó sẽ là một bi kịch. Vì thế, bằng mọi giá, hội nghị thượng đỉnh EU hôm nay sẽ buộc phải thành công.