Hà Nội

EU và Pháp hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ

03-12-2020 09:18 | Quốc tế
google news

SKĐS - Liên minh Châu Âu (EU) và Pháp, thông qua Cơ quan phát triển Pháp (AFD), cùng hợp tác hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các đô thị loại nhỏ ở Bắc Trung bộ Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam, Liên minh Châu Âu (EU) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký các hiệp định tài trợ của một dự án chung mới, “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho bốn tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ” (Dự án CRUIV), nhằm làm giảm mức độ dễ bị tổn thương của 5 đô thị trước các vấn đề về khí hậu. Việc ký kết diễn ra trong bối cảnh các đợt thiên tai gần đây gây ảnh hưởng nặng nề tới miền Trung Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của loại hình dự án này trong việc nâng cao khả năng chống chịu lâu dài của các địa phương.

Chính phủ Việt Nam, Liên minh Châu Âu (EU) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký các hiệp định tài trợ của một dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho bốn tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ” (Dự án CRUIV).

Được đồng tài trợ với khoản viện trợ không hoàn lại 5 triệu Euro từ Liên minh Châu Âu (EU), khoản vay ODA 123 triệu Euro từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và ngân sách của các tỉnh 28 triệu Euro, dự án CRUIV sẽ mang lại lợi ích cho các tỉnh Bắc Trung bộ của Việt Nam gồm: Phát Diệm tỉnh Ninh Bình, Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa, Hoàng Mai tỉnh Nghệ An, Hương Khê và Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh, tất cả các đô thị này đều rất dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Mục tiêu chính của Dự án là tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của năm đô thị này và người dân ở đây trước thiên tai và các tác động của biến đổi khí hậu.

Miền Trung Việt Nam thường xuyên phải gánh chịu những biến động về thời tiết. Diễn biến hai tháng qua là đặc biệt nghiêm trọng, với các cơn bão nhiệt đới và trận bão lớn xảy ra liên tiếp. Những tác động của các đợt thiên tai này rất nặng nề.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể gia tăng về cường độ và tần suất. Do đó, dự án CRUIV hỗ trợ cho nhu cầu cấp thiết về thích ứng với biến đổi khí hậu và là một phần trong các khoản đầu tư dài hạn cần thiết cho các địa phương dễ bị tổn thương, nhằm cải thiện khả năng chống chịu và phục hồi với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa thiệt hại về người, về vật chất và tài nguyên.

 

Dự án CRUIV đặc biệt hướng tới:
• Tăng cường sự an toàn và an ninh cho người dân và giảm thiểu thiệt hại vật chất do lũ lụt gây ra, thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng phòng ngừa rủi ro lũ lụt, phát triển hệ thống thoát nước và đê bảo vệ;
• Nâng cấp các tuyến đường chuyên dụng, đặc biệt là những tuyến đường dùng cho việc sơ tán và cứu hộ một cách hiệu quả những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt;
• Xây dựng, tổ chức hoạt động thu gom và xử lý nước thải nhằm cải thiện môi trường địa phương;
• Tăng cường năng lực của các cơ quan và chính quyền đô thị trong việc đảm bảo tính bền vững của các khoản đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và dịch vụ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững giúp giải quyết các vấn đề về dân số thành thị gia tăng, với mức sống ngày càng cao, trên vùng đất dễ bị tổn thương do phải hứng chịu thiên tai.

 

Ngài Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam, cho biết: “Các đợt thiên tai tàn phá ở miền Trung Việt Nam cho thấy thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, do đó điều quan trọng là phải hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới một tương lai với khả năng chống chịu và phục hồi tốt. Khi ngày càng có nhiều người dân sinh sống ở các thành phố, cơ sở hạ tầng đô thị chính là chìa khóa để tăng cường khả năng chống chịu. Khoản viện trợ không hoàn lại của EU sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng năng lực điều phối và thông tin liên lạc của chính quyền địa phương, phát triển các hệ thống thông tin và phòng ngừa rủi ro cũng như tổ chức công tác vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng. Điều này hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên toàn cầu của EU về các thành phố bền vững”.

Đô thị Ngọc Lặc, nằm ở miền núi tỉnh Thanh Hóa, nơi có sông Cầu Chày chảy qua, là một trong 5 đô thị được thụ hưởng dự án CRUIV.

Ông Fabrice Richy, Giám đốc AFD tại Việt Nam cho biết thêm: “Chương trình quan trọng này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu lâu dài của Việt Nam và sứ mệnh của AFD tại Việt Nam vì các hoạt động của chúng tôi nhằm hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận Paris, cụ thể là thông qua việc nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của các thành phố và địa phương dễ bị tổn thương. Sự kết hợp giữa vốn vay ODA của AFD với viện trợ không hoàn lại của EU là một lợi thế quan trọng cho sự thành công của Dự án và tính bền vững của cơ sở hạ tầng đô thị. Tôi cũng xin được cùng EU bày tỏ lời chia buồn chân thành tới các tỉnh, chính quyền địa phương và những người dân bị ảnh hưởng bởi những trận thiên tai gần đây.”

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và thiên tai. Nhiệt độ nóng dần và nước biển dâng, cũng như tần suất và cường độ gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan kết hợp với sự gia tăng dân số và đô thị hóa đang làm tăng nguy cơ xói mòn bờ biển, lũ lụt đô thị và hạn hán. Nhất quán với các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu về Phát triển Bền vững, EU và AFD đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

AFD có mặt tại Việt Nam từ năm 1994 và đã tài trợ trên 90 dự án với tổng số vốn hơn 2,1 tỉ EUR trong các lĩnh vực : giao thông, hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp… Phù hợp với các ưu tiên trong hợp tác của Pháp tại Việt Nam, AFD định hướng các hoạt động của mình hướng tới hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

 

 


NV
Ý kiến của bạn