Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/9 đã thống nhất áp đặt một loạt các biện pháp cấm vận kinh tế mới chống lại Nga, bất chấp việc thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga tại miền Đông Ukraine đã được ký.
Các lệnh cấm vận mới sẽ thắt chặt hơn nữa những biện pháp từng được áp đặt hồi tháng 7, đưa thêm nhiều cá nhân vào diện cấm đi lại và bị phong tỏa tài sản. Ngoài ra các công ty dầu khí và quốc phòng của Nga sẽ bị hạn chế tiếp cận các thị trường vốn.
Chủ tịch hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định trong một bức thư gửi các lãnh đạo châu Âu rằng, các biện pháp mới là “một công cụ hữu ích” để “củng cố nguyên tắc rằng các lệnh trừng phạt của EU nhằm thúc đẩy sự thay đổi đường lối hành động của Nga tại Ukraine”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ tướng Anh David Cameron đều đã khẳng định tại một phiên họp thượng đỉnh của NATO tại Wales hôm 4/9 rằng, các lệnh cấm vận nên tiếp tục được triển khai bất chấp lệnh ngừng bắn được ký tại Belarus hôm thứ Sáu.
Tuy nhiên hai nhà lãnh đạo này cũng khẳng định các lệnh cấm vận nên được dỡ bỏ nếu có bằng chứng cho thấy Nga có bước đi để giải quyết tình hình tại Ukraine.
Các lệnh cấm vận của EU sẽ chính thức được thực thi từ thứ Hai tới, mặc dù chi tiết danh sách các cá nhân và tổ chức bị đưa vào diện cấm vận có khả năng phải tới thứ Ba mới được công bố, các nhà ngoại giao cho biết.
Hồi thứ Bảy tuần trước, lãnh đạo của EU đã đề nghị các quan chức tại một cuộc họp thượng đỉnh dự thảo các biện pháp cấm vận mới, sau khi Nga bị cho là đã điều binh sỹ và xe tăng tới hỗ trợ phe ly khai. Tuy nhiên Nga đã bác bỏ cáo buộc này.
Bản “danh sách đen” mới sẽ nhắm tới thêm một số người có liên hệ với lãnh đạo của phe ly khai tại vùng Donbass, phía Đông Ukraine, chính phủ Crimea, và các “chính trị gia nắm quyền quyết định cùng các nhà tài phiệt” Nga, ông Van Rompuy và Barroso cho biết.
“Các biện pháp trừng phạt bổ sung” cũng nằm trong 4 lĩnh vực được nêu ra hồi tháng 7 đó là thị trường vốn, quân sự, hàng hóa có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, và công nghệ dầu mỏ.
Dù vậy, các nhà ngoại giao EU cho biết, họ tiếp tục mạnh tay hơn trong việc hạn chế các doanh nghiệp quân sự và dầu mỏ Nga tiếp cận các thị trường vốn châu Âu.
Một nhà ngoại giao châu Âu khẳng định: “Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy các chính phủ EU sẵn sàng làm những gì cần thiết để cho Nga thấy hậu quả từ những hành động của họ”.
Theo Dân Trí/Tiền Phong